Cảnh sát dẫn độ trùm tội phạm ma túy Diego Montoya Leon. |
Ở Colombia, rất nhiều trùm tội phạm ma túy sa lưới đã xin được xét xử tại quê nhà. Trường hợp điển hình là hồi năm 2004, có tới 6 trùm tội phạm ma túy có tên trong danh sách yêu cầu dẫn độ của Mỹ, trong đó có Hernando Gomez Bustamante, đã thông báo ý định tự nộp mình cho chính phủ để được xét xử tại Colombia. Tại sao họ lại sợ bị dẫn độ sang Mỹ?
Lợi ích từ dẫn độ
Không giống như chuyện dẫn độ trong thập kỷ 1980 và 1990, việc dẫn độ tội phạm Colombia sang Mỹ giờ đây đã trở nên phổ biến. Mới đây nhất là vụ dẫn độ Heberth Veloza, vốn là trùm ma túy kiêm thủ lĩnh một nhóm du kích Colombia hôm 6/2/2009. Veloza từng thừa nhận cá nhân y đã giết hơn 100 người và các chiến binh dưới quyền y đã giết thêm vài ngàn người khác. Y là thủ lĩnh du kích thứ 17 bị dẫn độ sang Mỹ trong vòng một năm qua để đối mặt với các cáo buộc liên quan tới tội danh buôn bán ma túy.
Nhưng vụ dẫn độ đình đám nhất lại là vụ dẫn độ trùm tội phạm ma túy người Colombia Diego Montoya Leon, 47 tuổi, hồi tháng 12 năm ngoái. Trong thế giới ngầm Colombia, Montoya được mệnh danh là “Quý ngài Don Diego” hay “Ông trùm của các ông trùm” bởi hắn tham gia thành lập băng đảng khét tiếng Norte del Valle (Thung lũng Bắc) lớn nhất Colombia và điều hành nó cho tới ngày sa lưới. Trùm Montoya nằm trong danh sách 10 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) năm 2007, cùng với Osama Bin Laden. Theo thống kê, khoảng 70% lượng ma tuý được đưa vào thị trường Mỹ và châu Âu là từ các đường dây của Montoya, trong đó có khoảng 500-600 tấn cocaine, trị giá hơn 10 tỉ USD trong suốt thời gian từ 1990-2004. Y cũng là kẻ đứng sau ít nhất 1.500 vụ giết người. Y bị truy tố tới 12 tội danh, trong đó có buôn ma túy, giết người, rửa tiền… Thậm chí, Tướng Oscar Naranjo, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Colombia, còn cao hứng nói rằng, “dẫn độ Diego Montoya Leon sang Mỹ đồng nghĩa với việc khép lại lịch sử đẫm máu tại Thung lũng Bắc”.
Thực tế, Tổng thống Colombia Alvaro Uribe đã gửi gần 800 kẻ tội đồ sang Mỹ, trung bình 2 tên/tuần kể từ khi ông đắc cử Tổng thống lần đầu tiên năm 2002. Con số này nhiều gấp 10 lần so với thời của người tiền nhiệm A. Pastrana. Chính sách dẫn độ này giúp ông Uribe làm vui lòng chính quyền Mỹ, đất nước hỗ trợ cho Colombia khoảng 600 triệu USD/năm. Nó cũng giải thoát cho Colombia khỏi phải đau đầu xét xử hay giam giữ trùm tội phạm. Colombia không có án tử hình và nếu bị dẫn độ sang Mỹ, án tù chắc chắn sẽ rất dài.
Những bất cập khó hiểu
Tuy nhiên, không chỉ có cánh tội phạm không thích bị dẫn độ sang Mỹ vì phải chịu án tù dài, mà ngày càng nhiều người chỉ trích xu hướng này. Họ cho rằng việc dẫn độ rất tốn kém, thủ tục pháp lý quá nhiều và nhiêu khê trong khi lại không ngăn chặn nổi nạn buôn bán ma túy. Maria Victoria Llorente, Giám đốc cơ quan tư vấn Ideas for Peace ở Bogotá, cho biết: “Mỗi ngày chúng ta lại dẫn dộ nhiều tội phạm hơn, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn”.
Bên cạnh việc trả phí xét xử tất cả nghi phạm bị dẫn độ cho Mỹ bao gồm chi phí đi lại, ăn ở cho các nhân chứng, thuê luật sư nói được song ngữ và dịch văn bản, thì hàng chục nghìn USD cũng được bỏ ra hàng năm để giam giữ mỗi tội phạm nước ngoài bị bắt.
Ông Joaquin Perez, luật sư bên bị có trụ sở tại Miami, người chuyên biện hộ cho những kẻ buôn bán ma túy Colombia bị dẫn độ sang Mỹ, còn khẳng định: “Không có hệ thống sàng lọc những nghi phạm bị dẫn độ”. Ông cho biết, nếu là Don Diego thì đi một nhẽ, nhưng nhiều người bị dẫn độ chỉ là “tốt đen” như tài xế của kẻ buôn lậu, người chuyên làm giả giấy tờ hay chỉ là gã chuyên chuẩn bị hộp cơm trưa cho thủy thủ đoàn trên con tàu buôn ma túy... Hoặc như hồi năm 2004, thủ lĩnh phiến quân Simón Trinidad bị dẫn độ và bị kết án âm mưu bắt cóc 3 nhà thầu của quân đội Mỹ, mặc dù ông này chỉ liên quan sơ sơ tới tội phạm. Phải chăng miễn là có tội phạm để dẫn độ?
Lý do có thể đều bắt nguồn từ việc phục hồi Luật Dẫn độ của Colombia. Ông Myles Frechette, Đại sứ Mỹ ở Colombia những năm 1990, thừa nhận từng ép Chính phủ Colombia phục hồi việc dẫn độ sau khi nó bị cấm theo Hiến pháp Colombia năm 1991. Rõ ràng, nếu như trước kia việc dẫn độ chỉ nhằm vào những nhân vật bạo lực tầm cỡ, những kẻ mà phe phái của chúng đe dọa sự ổn định của chính phủ, thì giờ đây các cuộc dẫn độ chủ yếu là các đối tượng tội phạm buôn bán ma túy. Thậm chí, Josh Levine, cựu Giám đốc Cơ quan chống buôn bán ma túy quốc tế của Mỹ, còn thừa nhận rằng những ông trùm ma túy sa lưới nhiều khi sẽ được thay bằng những kẻ “đóng thế”.
Thực tế đã xảy ra một sai lầm không thể hiểu nổi. Mặc dù tên tuổi và ảnh của trùm tội phạm ma túy Diego Montoya Leon được treo và dán khắp nơi, nhưng cảnh sát Colombia lại nhầm lẫn khi dẫn giải hắn đi lấy khẩu cung. Cảnh sát thanh minh rằng họ đã nhầm lẫn bởi tên của Diego Montoya Leon hoàn toàn giống với một phạm nhân đang bị giam giữ tại đây. Sự nhầm lẫn này chỉ được phát hiện khi Diego Montoya Leon “giả”, thực chất là Don Berna, một thủ lĩnh phiến quân, xuất hiện tại phòng hỏi cung trên chiến hạm của lực lượng hải quân Colombia.
Sau khi phát hiện ra sự nhầm lẫn nực cười và khó hiểu này, cảnh sát buộc phải thực hiện cuộc dẫn độ cẩn trọng. Để dẫn giải Diego Montoya từ nhà tù tới nơi thẩm vấn, người ta phải huy động một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm được trang bị vũ khí đầy đủ. Sau khi áp tải “Vua cocaine” ra máy bay trực thăng, địa điểm hạ cánh chỉ được thông báo trong quá trình bay.
Thanh Bình(theo Time)