📞

Colombia: Thỏa thuận hòa bình lâm nguy

08:00 | 24/06/2018
Quan điểm cứng rắn trong việc giải quyết xung đột vũ trang của tân Tổng thống Colombia dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của thỏa thuận hòa bình với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Không nằm ngoài dự đoán, ứng cử viên Ivan Duque thuộc phe cánh hữu đã đắc cử Tổng thống Colombia trong cuộc bầu cử lần hai diễn ra hôm 17/6 vừa qua. Ông Ivan Duque đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ 54,07% trước ứng cử viên cánh tả Gustavo Petro, người nhận được 41,72% số phiếu ủng hộ. Theo kế hoạch, ông Duque sẽ nhậm chức Tổng thống vào ngày 7/8 tới và điều hành đất nước trong nhiệm kỳ bốn năm.

Trong cuộc bỏ phiếu được xem là đầy khắc nghiệt lần hai này, cử tri đã lựa chọn vị luật sư chuyên về lĩnh vực kinh tế thuộc đảng Trung tâm Dân chủ (CD) do cựu Tổng thống Alvaro Uribe sáng lập, thay vì ông Petro, người từng là thị trưởng Bogota và ủng hộ thỏa thuận hòa bình Colombia 2016. Theo đánh giá của giới phân tích, một phần nguyên nhân đến từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế của Colombia, với mức tăng trưởng thấp và không ổn định. Với cam kết cắt giảm thuế quan và thúc đẩy đầu tư, ông Duque được xem là “lựa chọn đầy thân thiên đối với hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Tân Tổng thống Ivan Duque ăn mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử tại Bogota, Colombia. (Nguồn: AP)

Năng lực chuyên môn và sự già dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế là điều không thể phủ nhận, song tân Tổng thống Ivan Duque lại là “người mới” của giới chính trị và có quan điểm cứng rắn, không chấp nhận những điều khoản trong thỏa thuận đã có với FARC.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử, Tổng thống Ivan Duque đã tái khẳng định chủ trương “chỉnh sửa” bản thỏa thuận. Nhưng để

trấn an 41% cử tri ủng hộ thỏa thuận này, ông Duque nhấn mạnh sẽ không “xé bỏ” mà chỉ muốn siết chặt biện pháp trừng phạt đối với các cựu tay súng FARC và xem xét lại 10 ghế mà FARC đang nắm giữ tại Quốc hội. Thực tế, văn kiện lịch sử này đến nay vẫn còn gây tranh cãi, khi trong đó có nhiều điều khoản “dễ dãi” khiến đa phần người dân Colombia bức xúc, chẳng hạn như cho phép các nhân vật cấp cao của FARC tham gia chính trị và không phải ngồi tù.

Tuy nhiên, tuyên bố sẽ sửa chữa thỏa thuận hòa bình Colombia và xem xét lại hành động của FARC trong cuộc xung đột kéo dài 5 thập kỷ qua của tân Tổng thống có thể đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội và Tòa án Hiến pháp Colombia. Về lâu dài, cam kết trong bầu cử của ông Duque sẽ đặt thỏa thuận hòa bình Colombia vào thế chông chênh khó đoán.

Như lường trước được tương lai “bấp bênh” của Thỏa thuận hòa bình, FARC đã sớm phát đi tín hiệu thiện chí khi hối thúc Tổng thống đắc cử Ivan Duque thể hiện “nhận thức đúng đắn” về thỏa thuận, nhấn mạnh điều Colombia mong muốn là một nền hòa bình toàn diện hướng tới sự hòa giải như kỳ vọng.

Duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cũng như tính đoàn kết dân tộc là tiền đề cần thiết cho quá trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Colombia. Do đó, tân Tổng thống Duque chắc chắn phải cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra quyết định hợp lòng đại đa số người dân trước khi sửa đổi thỏa thuận hòa bình, nhằm ngăn chặn nguy cơ quốc gia Nam Mỹ này rơi vào vòng xoáy xung đột một lần nữa.