Cái chết mang tên Lehman
Cái chết tức tưởi của 2 ngân hàng đầu tư quan trọng hàng đầu ở Mỹ Lehman và Merrill đã làm nghẹt thở các thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của Lehman đang có giá 3,8 USD bỗng chốc sau vài giờ chỉ còn chưa được 25 cent. Ở Tây Âu, trong số 18 thị trường chứng khoán, thì có tới 14 thị trường giảm trên 3%. Niềm hy vọng rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã ở đỉnh điểm vào tháng 8 năm ngoái đã không thành sự thực. Các chuyên gia còn dự báo rằng, ngay trong những tháng cuối năm nay, tại Mỹ sẽ còn có thêm trên 10 ngân hàng phải “gác kiếm”.
Những gì đang xảy ra hiện nay cho thấy đây là các vụ đổ vỡ tài chính lớn nhất đương đại. Chỉ mới đầu năm nay vẫn còn tồn tại 5 ngân hàng lớn độc lập tại Mỹ, thì nay chỉ còn 2. Bây giờ là lúc cần phải dọn dẹp hậu quả và hàng ngàn ngân hàng nhỏ ở Mỹ phải lãnh đủ bởi họ được Lehman bảo lãnh phát hành giấy vay nợ và nay các loại giấy tờ có giá đó đã mất giá thê thảm. Đến giờ thì không ai có thể chỉ ra được rằng giá trị gốc của các loại giấy vay nợ đó là bao nhiêu. Người ta còn phải chờ quá trình giải quyết phá sản, phải xem trị giá của mỗi cổ phiếu. Trước đó, một số tập đoàn đã ngỏ ý mua lại Lehman, nhưng người ta không xác định nổi ngân hàng khổng lồ giá gốc 150 tỉ USD này nay đáng giá bao nhiêu, hay chỉ là một số 0 tròn trĩnh. Người ta chỉ mua khi chính phủ đứng ra bảo lãnh, nhưng chính phủ đ ã nói “không”.
Cách đây chưa đầy nửa năm, thế giới như trút được gánh nặng vì cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã xuống tới đáy. Lúc đó, TG&VN có bài viết tựa đề “Chớ vội mừng” và những diễn biến hiện nay đang chứng minh điều đó |
FED phân biệt đối xử ?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố từ đầu năm rằng sẽ cung cấp những khoản vay lớn cho các ngân hàng đầu tư đủ tiêu chuẩn trong trường hợp sự cố xảy ra. Chính sách mới này được đưa ra sau khi FED và Bộ Tài chính Mỹ dàn xếp để JPMorgan Chase mua lại Bear Stearns nhằm tránh một vụ đổ vỡ gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu của tập đoàn này. Lehman cũng đã từng hy vọng sẽ được FED cứu, tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Việc FED không can thiệp vào Lehman Brothers ngoài lý do đã nêu, còn là vì tình hình lúc này đã thay đổi. Hồi đầu năm, một vụ phá sản của Bear Stearn có thể có tác động tiêu cực nhiều hơn tới thị trường hơn là sự phá sản của Lehman lúc này.
Hiện nay, thị trường đã sẵn sàng chứng kiến tình huống phá sản của Lehman, còn vào tháng 3, nếu Bear sụp đổ hoàn toàn, đó sẽ là một cú sốc đối với hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. Bear nắm giữ 9.000 tỷ USD các công cụ tài chính, các nghiệp vụ phái sinh, và những tài sản này có mức độ ràng buộc cao với các tổ chức tài chính khác. Nếu Bear phá sản, sự đổ vỡ theo hiệu ứng domino là điều khó tránh khỏi. FED không ra tay cứu Lehman còn vì họ biết chắc nhiều định chế tài chính khác sẽ cần “chiếc đèn thần” của họ.
Đúng như vậy, những tưởng cơn ác mộng về sự sụp đổ của 2 ngân hàng sẽ qua mau thì một tai họa khác lại ập đến: Tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới của Mỹ AIG cũng rơi vào hoạn nạn. Cổ phiếu của AIG trong sáng thứ 3 vừa qua đã mất giá tới 43%. Bản thân AIG trong năm nay cũng đã mất đi 93% giá trị. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là sự ràng buộc mật thiết của Tập đoàn bảo hiểm này đối với hầu hết các ngân hàng lớn khác. “Tôi chưa từng biết đến một ngân hàng lớn nào lại không có sự phụ thuộc đáng kể đối với AIG” - ông K.Lewis, Giám đốc Bank of America đã phát biểu như vậy. Theo ông, sự sụp đổ của AIG sẽ là tai họa lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta biết cho đến nay.
Cái gì phải đến, đã đến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không chần chừ công bố quyết định sẽ tiếp quản AIG để cứu “người khổng lồ” này khỏi rơi vào bi kịch như Lehman Brothers. Theo quyết định này, FED sẽ nắm giữ 80% cổ phần của AIG và đổi lại, cung cấp cho tập đoàn này một khoản vay lớn hơn GDP của Việt Nam là 85 tỷ USD trong vòng 2 năm để giúp AIG thanh khoản. Cái cách ứng cứu theo kiểu “em ngã, chị nâng”, thật là dễ hiểu. AIG lớn đến mức có ảnh hưởng quá sâu rộng trong hệ thống tài chính Mỹ nói riêng và ngành tài chính toàn cầu nói chung. Theo CNN, AIG có 1.100 tỷ USD tài sản và 74 triệu khách hàng và hàng chục vạn nhân viên hoạt động tại hơn 100 nước. Nếu AIG sụp đổ, những tác động của vụ này tới hệ thống tài chính toàn cầu sẽ như là một trận cuồng phong lớn chưa từng thấy. Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng này không chỉ khiến ba ngân hàng đầu tư ở Phố Wall là Bear Stearns, Lehman Brothers và Merrill Lynch tan rã, mà còn tác động rất mạnh tới các đối tượng khác trong ngành tài chính Mỹ. Từ đầu năm tới nay, đã có 11 ngân hàng thương mại ở Mỹ phá sản, đồng thời, khủng hoảng cũng không loại trừ các công ty bảo hiểm cỡ như AIG. Đương nhiên, trước khi đưa ra quyết định cứu AIG, các nhà chức trách Mỹ đã từ chối cấp cho nó khoản vay 40 tỷ USD theo đề nghị của tập đoàn này. FED hy vọng, Goldman Sachs và JPMorgan Chase sẽ cung cấp cho AIG một khoản vay từ 70 - 75 tỷ USD. Song, một khoản vay như vậy từ phía hai tập đoàn trên là giấc mơ giữa ban ngày, bởi chính ốc cũng chưa lo nổi ốc huống gì nghĩ tới cọc. Thế là Chính phủ Mỹ đã nắm 79,9% cổ phần của AIG, đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ nắm quyền quản lý và nói đơn giản là AIG đã được quốc hữu hóa. Chính phủ giành quyền điều hành, quyền thay đổi một phần bộ máy hành chính và quyền phủ quyết trong việc thanh toán cổ tức.
Nhiều dư chấn
Tạm yên với AIG, thị trường chứng khoán khắp thế giới nhanh chóng hồi sức. Tuy nhiên, cơn lốc tài chính vẫn chưa dừng. Cái tên Goldman Sachs Group lại xuất hiên liên tục trên các phương tiện truyền thông. Ngân hàng đầu tư lớn nhất này của Mỹ trong quý III năm tài chính này đã giảm 70% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước và đây là mức suy giảm lớn nhất của nó tính từ năm 1999, thời điểm bắt đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Từ đầu tháng Giêng năm nay, nhà đầu cơ huyền thoại George Soros đã khẳng định: Thế giới đang đi vào một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Còn cách đây vài tháng, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan đã cảnh báo về một làn sóng sụp đổ của các ngân hàng và sự đảo lộn của nền tài chính thế giới. Rất tiếc rằng những dự báo trên đây đang trở thành sự thật.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ không bị đẩy lùi mà những điều tồi tệ nhất vẫn còn rình rập phía trước. Sự tồi tệ nhất không chỉ là sự sụp đổ của các thể chế cụ thể, mà là nỗi sợ hãi đang lan truyền. Không ai có thể dự liệu được rằng sắp tới ai sẽ là nạn nhân tiếp theo. Kinh tế thế giới chắc chắn rơi vào suy thoái vì thiếu tiền. Một số lãnh đạo nhà băng tỉnh táo cho rằng tốt nhất là không cho vay nữa. FED vừa quyết định giữ nguyên lãi suất bởi vấn đề là còn ai dám cho vay nữa không, chứ không phải là phải trả lãi bao nhiêu.
Ngày 17/9, Phố Wall chao đảo bởi hàng loạt tin xấu ập tới, đưa chứng khoán Mỹ xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo tờ New York Times, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, một trong 2 ngân hàng đầu tư còn lại ở Phố Wall, đang tìm khả năng sáp nhập với ngân hàng Wachovia hoặc với một ngân hàng khác để tồn tại. Để đối phó với nạn bán tháo cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã ban hành một quy định mới liên quan đến hoạt động giao dịch bán khống ở thị trường Mỹ, theo đó, sẽ không có bất kỳ một khoan nhượng nào đối với hoạt động bán khống không trung thực. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, môi giới sẽ không được phép cùng lúc đặt lệnh bán khống và đặt lệnh mua đối với cùng một loại cổ phiếu.
Trong 6 tháng qua, tổng số tiền FED chi cho thị trường tài chính Mỹ đã lên đến 900 tỷ USD. Trong đó, FED đã bơm 200 tỷ để giành quyền kiểm soát Fannie Mae và Freddie Mac; 85 tỷ USD để giải cứu AIG; 300 tỷ cho Cơ quan quản lý nhà đất Liên bang để hỗ trợ cho những người sở hữu bất động sản mất khả năng trả nợ ngân hàng; 29 tỷ USD cho JPMorgan Chase vay để mua lại Bear Stearns; 200 tỷ USD cho các khoản vay ngắn hạn để giúp các tổ chức tài chính tăng tính thanh khoản… Chắc rằng trong thời gian tới FED còn phải tiếp tục bơm nhiều tiền cho các ngân hàng còn lại ở Phố Wall và hàng loạt các ngân hàng nhỏ hơn đang là nạn nhân của cơn bão tài chính.
Dư chấn của cơn địa chấn tài chính Phố Wall đang tràn sang các châu lục khác, trước hết là châu Âu. Có tin ngân hàng lớn thứ tư của Anh, Lloyds TSB đang trong quá trình đàm phán để mua lại HBOS, nhà cho vay địa ốc lớn nhất và là ngân hàng lớn thứ 6 của Anh. Bất chấp thông tin AIG được giải cứu, cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu vẫn tiếp tục đi xuống, đẩy chứng khoán châu Âu giảm mạnh ngày thứ ba liên tiếp trong tuần, đưa các chỉ số chứng khoán giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở Nga, Bộ Tài chính đang phải bơm 45 tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng và chính phủ đã buộc thị trường chứng khoán ngừng giao dịch. Ở châu Á, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tạm thời lên điểm, nhưng thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Singapore vẫn tiếp tục đi xuống.
Nền kinh tế Mỹ không chỉ hắt hơi sổ mũi mà đã nhiễm bệnh thực sự, và từ đó, sự lây lan sang các nền kinh tế khác là điều hiển nhiên không cần bàn cãi, vấn đề là mức độ lớn hay nhỏ mà thôi.
Các nhà chính trị vẫn tiếp tục trấn an dân chúng rằng Mỹ đủ mạnh để vượt qua cơn hoạn nạn. Trong khi đó, phần lớn các nhà kinh tế lại cho rằng những điều tồi tệ đang nằm ở phía trước. Cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” của hệ thống tài chính hiện tại đang tỏ ra bất lực trước thực tế phũ phàng. Phải chăng hệ thống quản lý tiền tệ, tài chính, ngân hàng… vốn được hình thành từ sau cuộc Đại khủng hoảng của những năm 1930, nay tỏ ra không còn phù hợp?
T.S Nguyễn Xuân