📞

Con đường dẫn đến tuyệt chủng

20:55 | 27/07/2016
Đó là con đường được cảnh báo từ việc gây nuôi thương mại và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Ngày 27/7 tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin và đề xuất các cơ quan quan lý Nhà nước nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. 

Cuộc họp đã nêu bật tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của Việt Nam.

Đáng chú ý, trong khi nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cán bộ thực thi pháp luật lên tiếng cần nghiêm cấm gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, thì hiện nay thì lại có không ít người cho rằng, đây là một giải pháp vừa phát triển kinh tế vừa có giá trị bảo tồn.

Đừng nhầm lẫn giữa lợi ích kinh tế với bảo tồn

Phần lớn dư luận đều lên án các hoạt động thương mại liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Theo PGS. TS. Lê Xuân Cảnh, Nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, việc gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm có thể mang lại lợi nhuận cho một số người, song nó lại đe dọa nghiêm trọng đa dạng sinh học của đất nước.

Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh H.T)

Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm sẽ gia tăng nhanh chóng nguy cơ tuyệt chủng của những loài này. Việc đem tương lai của nhiều loài ĐVHD nguy cấp bậc nhất trên thế giới để đánh đổi lấy lợi nhuận của một nhóm người là vô cùng mạo hiểm”.

Bà Hà cũng giải thích quan điểm của ENV về sự cần thiết nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam và thế giới. Theo bà, công tác bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm không thể diễn ra song hành với hoạt động gây nuôi thương mại những loài này. Trong khi mục tiêu của bảo tồn là để bảo vệ nền đa dạng sinh học, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, thì mối quan tâm hàng đầu của chủ các cơ sở gây nuôi là lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, các cơ sở gây nuôi thương mại sẽ không đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sinh sản hay có kiến thức để đảm bảo tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen, những điều kiện cơ bản để tái thả ĐVHD về tự nhiên (nếu có). Hơn nữa, hầu hết các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được gây nuôi đã bị mất đi bản năng sinh tồn và kĩ năng cần thiết giúp chúng sống sót trong tự nhiên nếu được tái thả.

Tránh dùng biện pháp nửa vời

Tại buổi họp báo, các nhà bảo tồn cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhiều khả năng sẽ tăng lên đáng kể nếu các sản phẩm hiện đang bị cấm này được phép lưu hành trên thị trường.

“Tôi sẽ không ủng hộ việc gây nuôi và buôn bán ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, bởi lẽ nhìn vào lịch sử gây nuôi cá sấu ở nhiều nước đã cho thấy có tác động tiêu cực đối với quần thể cá sấu Xiêm trong tự nhiên hiện nay” – bà Jenny Daltry, cán bộ cao cấp về bảo tồn sinh vật học, Tổ chức Động thực vật hoang dã quốc tế (FFI).

Khi sản phẩm từ ĐVHD sẵn có trên thị trường, nhiều người vốn chưa từng có nhu cầu sử dụng có thể sẽ “thử” sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Cùng với việc nhu cầu tiêu thụ tăng lên là sự gia tăng tình trạng săn bắn ĐVHD trái phép ngoài tự nhiên để đáp ứng nhu cầu đó.

Dịp này, ENV cũng công bố kết quả cuộc khảo sát hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD ở các trang trại Việt Nam được thực hiện năm 2014- 2015. Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng nhập lậu ĐVHD và lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để buôn bán trái phép ĐVHD đã diễn ra rất phổ biến tại các cơ sở được cấp phép gây nuôi.

ENV đã đưa ra những ví dụ xác đáng cho thấy những lỗ hổng trong thực thi pháp luật quản lý hoạt động gây nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm như vụ việc vợ một đối tượng ở Nghệ An có hai tiền án vi phạm về buôn bán hổ đã được cấp phép nuôi hổ vì mục đích “giáo dục và bảo tồn” xảy ra gần đây.

Nhiều cá thể tê tê đang được phép nuôi nhốt ở Tây Ninh. (Nguồn: ENV)

Về vấn đề này, ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng trị cũng cho biết, các cán bộ Kiểm lâm thường không có cở sở pháp lý để phân biệt giữa loài nuôi có nguồn gốc hoang dã. Vì vậy, kiểm soát trang trại đang nuôi ĐVHD gặp nhiều khó khăn và đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để nhập lậu ĐVHD vào các trang trại.

Bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV cho rằng: “Mọi biện pháp nửa vời sẽ là vô nghĩa. Chúng ta phải xóa bỏ quan niệm có thể thu lợi nhuận từ các hoạt động buôn bán và tiêu thụ đa dạng sinh học đất nước. Chúng ta phải kiên định với chính sách nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại và buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệ”.