📞

"Con đường để phát triển kinh tế biển Việt Nam chưa rõ ràng"

15:44 | 25/09/2016
 Việt Nam đã có định hướng chính sách rõ ràng, quyết tâm trở thành một quốc gia mạnh về phát triển kinh tế biển nhưng con đường để đạt được mục tiêu đó chưa rõ ràng.

Cùng với xu hướng chung của các quốc gia có biển trên thế giới, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Việt Nam đã có định hướng chính sách rõ ràng, quyết tâm trở thành một quốc gia mạnh về phát triển kinh tế biển...Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng để vạch rõ con đường đi.

Thưa ông, rõ ràng nước ta có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, vậy Việt Nam đã có định hướng chính sách gì để huy động tối đa nguồn lực kinh tế biển?

Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 đã thể hiện rất rõ quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất, Chiến lược chỉ rõ xây dựng Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu về biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của biển. Phát triển toàn diện ngành nghề biển, tái cơ cấu ngành phong phú hiện đại tạo ra tốc độ tăng nhanh, bền vững hiệu quả và có tầm nhìn dài hạn.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, hợp tác quốc tế. Kết hợp phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo, vùng nội địa… theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ ba, khai thác mọi ngư trường để phát triển kinh tế biển trên tinh thần chủ động, phát huy nguồn lực bên trong, tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Nguồn: TTXVN)

Ông đánh giá thế nào về quy mô cũng như vai trò của kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân?

Hiện quy mô kinh tế biển trong GDP của Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 23% GDP. Tuy nhiên, dự kiến trong tương lai đóng góp của kinh tế biển trong nền kinh tế sẽ khoảng trên 50%. Điều này là do xu thế phát triển chung kinh tế biển ngày càng quan trọng và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi sẽ đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển.

Bên cạnh đó, trước đây chúng ta chỉ khai thác ở thềm lục địa vì trình độ sản xuất lạc hậu thì nay chúng ta cũng đã hướng tới khai thác, đánh bắt xa bờ với trình độ khai thác hiện đại hơn. Như vậy có thể thấy, phát triển biển là xu thế tất yếu của quá trình phát triển nhất là trong hướng có tầm nhìn về không gian.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển vẫn chưa thực sự tốt nên kinh tế biển chưa phát triển toàn diện và không bền vững. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Vấn đề quy hoạch hết sức quan trọng vì muốn phát triển thì cần rõ con đường đi. Việt Nam đã có Chiến lược phát triển biển nhưng chúng ta vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng. Các quy hoạch chủ yếu mới chỉ có ở các nghiên cứu nhỏ lẻ và còn chồng chéo. Thực tế hiện nay cho thấy, mỗi tỉnh ven biển đều có một cảng, như vậy liệu có hợp lý không? Điều này cần có quy hoạch tổng thể rõ ràng.

Trong Luật Bảo vệ môi trường biển mới cũng đã nhấn mạnh điều này. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Luật Quy hoạch, với luật này, hi vọng sẽ khắc phục được những điểm yếu trong quy hoạch thời gian tới.

Có thực tế rằng, hiện còn thiếu sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành phố có biển, đảo trong cả nước. Theo ông, giải pháp nào để tăng cường sự liên kết này?

Sau Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta đã nhận thấy vấn đề này. Hiện các liên kết chưa phù hợp, nhất là liên kết giữa các địa phương ven biển. Ngoài ra, không những liên kết giữa các địa phương, cần đẩy mạnh sự liên kết vùng nữa.

Hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất sát sao trong vấn đề này. Tại Viện chúng tôi cũng đang thực hiện đề án Liên kết giữa các địa phương và các vùng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.  

Du lịch là một trong những ngành kinh tế biển có tiềm năng rất lớn ở Việt Nam, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa phát huy được. Nguyên nhân do đâu thưa ông?

Biển Việt Nam có tiềm năng rất lớn về du lịch nhưng hiện chúng ta chưa phát huy được. Điều này do vấn đề quy hoạch vẫn chưa rõ ràng. Thứ hai là cách chúng ta quảng bá du lịch vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nội tại phát triển du lịch của chúng ta chưa tốt như cơ sở hạ tầng còn kém, các sản phẩm du lịch thiếu đa dạng và các dịch vụ du lịch chưa phát triển. Ngoài ra, nguồn nhân lực phát triển du lịch hiện nay vẫn chưa cao.

Tương lai đóng góp của kinh tế biển trong nền kinh tế sẽ khoảng trên 50%. (Nguồn: Vasep)

Thưa ông, sự cố môi trường ở khu vực miền Trung vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho sự phát triển kinh tế biển thiếu bền vững. Làm sao để các địa phương giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và phát triển bền vững kinh tế biển?

Sự cố môi trường Formosa là một bài học đắt giá phải trả cho việc quản lý môi trường. Chúng ta cần xem xét lại quy hoạch tất cả các dự án đang hoạt động hoặc sẽ hoạt động trong các vùng ven biển; tuyệt đối không cho xả thải ra môi trường nếu chưa được kiểm duyệt. Ngoài ra, địa phương cũng như người dân cần nâng cao vai trò của mình trong việc giám sát, phát hiện các dự án trên địa phương mình.

Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định kinh tế trên biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Theo ông, đâu là giải pháp tổng thể để có thể hoàn thành mục tiêu này?

Đầu tiên chúng ta cần đảm bảo an toàn, an ninh trên biển. Chúng ta cần xem xét lại vấn đề quy hoạch, xem cái gì cần ưu tiên làm trước, cái nào làm sau. Thứ hai, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh khai thác thủy hải sản đây là thế mạnh của Việt Nam. Những ngành công nghiệp nào cần phải tập trung và cũng cần đẩy mạnh khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Bên cạnh đó, chúng ta cần phát triển hiệu quả các khu kinh tế ven biển. Cuối cùng rất quan trọng, đó là Việt Nam cần khai thác các dịch vụ biển, nhất là dịch vụ vận chuyển, logistic vì Việt Nam nằm trên ngã sáu của đường hàng hải quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

(theo TTXVN)