Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Philippines, Chủ tịch ASEAN 2017 Rodrigo Duterte, đã tuyên bố ASEAN đang đứng ở trung tâm và là tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố này phản ánh kế hoạch và phương châm hoạt động của ASEAN trong năm nay - "Đối tác cho sự thay đổi, hội nhập với thế giới", cho thấy ASEAN mong muốn đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh quan hệ ngoài khối
Để có thể đạt được tham vọng đó, ASEAN cần chứng minh vai trò toàn cầu của mình thông qua việc cam kết can dự mạnh mẽ hơn với các đối tác bên ngoài khối. Trong vòng 15 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại ngoại khối của ASEAN tăng gấp 3 lần so với thương mại nội khối. Tầm quan trọng của thương mại ngoại khối khiến một số người tự hỏi liệu đã đến lúc các nước ASEAN theo đuổi một chương trình nghị sự thương mại đối ngoại chủ động, tích cực hơn.
Phương châm hoạt động của ASEAN trong năm 2017: "Đối tác cho sự thay đổi, hội nhập với thế giới". |
Các quốc gia thành viên ASEAN thực hiện các cuộc đàm phán thương mại dựa trên nguyên tắc "trung tâm ASEAN". Theo Hiến chương ASEAN, trung tâm ASEAN đóng vai trò là "lực đẩy quan trọng trong hợp tác với các đối tác bên ngoài". Cách tiếp cận này đòi hỏi bất kỳ lợi ích hoặc cam kết nào được đưa ra trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+1 không được vượt quá những ưu tiên trong FTA nội khối của ASEAN.
Điều này ngụ ý rằng chương trình nghị sự thương mại nội khối của ASEAN được ưu tiên cao hơn chương trình nghị sự thương mại ngoại khối. Ví dụ, trong các FTA nội khối của ASEAN, Indonesia cho phép thành lập các trụ sở ngân hàng nước ngoài ở tất cả các thành phố để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhưng trong FTA ASEAN + 1, chẳng hạn như FTA ASEAN - Australia - New Zealand hay FTA ASEAN - Hàn Quốc, các ngân hàng từ các nước đối tác chỉ có thể thiết lập chi nhánh ở một số tỉnh thành nhất định.
Thời gian tới, ASEAN có thể không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự tham gia tích cực hơn với các đối tác ngoài khối. Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và gần 400 triệu người ở độ tuổi dưới 35, ASEAN sẽ là khu vực rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Không quá ngạc nhiên khi nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, sẽ hoạt động tích cực hơn với ASEAN, bao gồm cả các vấn đề thương mại và đầu tư.
"Đầu tàu" trong đàm phán RCEP
ASEAN cũng đang đóng vai trò "đầu tàu" trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất thế giới, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 16 quốc gia thành viên của RCEP chiếm 46% dân số thế giới và 24% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ cung cấp những điều kiện tốt hơn về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho ASEAN cũng như 6 nền kinh tế bên ngoài khu vực của RCEP.
Ngoài RCEP, ASEAN đang nhìn vượt khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm mở rộng, tham gia tích cực hơn nữa trong lĩnh vực thương mại. Tháng 5 vừa qua, các quốc gia ASEAN đã nhất trí khôi phục các cuộc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU) - nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai của khối - sau những thảo luận ban đầu bị ngưng trệ vào năm 2009.
ASEAN nên tìm cách tối đa hóa bất cứ cơ hội đàm phán FTA với các quốc gia bên ngoài khối, gồm EU và cả 6 nước tham gia RCEP cùng ASEAN: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Việc ký nhiều FTA với các đối tác thương mại sẽ giúp ASEAN có cơ hội lớn để hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các chuyên gia, việc hạn chế các quan hệ kinh tế đối ngoại đối với các hiệp định mở rộng của ASEAN sẽ rất bất lợi vì nó có thể làm giảm khả năng tối đa hóa lợi nhuận từ thương mại và đầu tư của các quốc gia thành viên.
Các nguyên thủ quốc gia tại trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Phillipines. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Phillipines) |
Trong FTA ASEAN+1, các đàm phán tiếp cận thị trường với các đối tác thương mại tương ứng được thực hiện song song giữa đối tác đó và mỗi nước thành viên ASEAN, chứ không phải với toàn bộ khối. Như vậy, mỗi quốc gia thành viên ASEAN có cơ hội cạnh tranh với nhau nhằm chuyển hướng thương mại và đầu tư từ đối tác thương mại sang các quốc gia tương ứng của họ.
Tuy nhiên, một số quốc gia có động cơ hành động khác. Là nước lớn nhất trong ASEAN, Indonesia có tiềm năng to lớn để trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư và thương mại. Để thu hút các đối tác thương mại, Indonesia có thể xem xét đối xử với họ tốt hơn, hoặc ít nhất cùng mức độ như với các nước thành viên khác của ASEAN.
Việc ASEAN tích cực tham gia với các đối tác thương mại có thể gặt hái được những lợi ích kinh tế đáng kể. Từ góc nhìn kinh tế thuần túy, điều này sẽ có lợi cho ASEAN thông qua việc tăng thương mại ngoại khối. Cách tiếp cận như vậy chắc chắn sẽ phù hợp với phương châm của ASEAN trong năm 2017 là "hội nhập với thế giới".
Thật vậy, ASEAN đang có cơ hội tốt để gặt hái nhiều lợi ích về thương mại và đầu tư thông qua việc tăng cường sự tham gia của mình với các nước khác. Nhưng trước hết, ASEAN cần phải thay đổi quy tắc cho rằng các điều khoản tốt nhất nên được dành riêng cho các nước thành viên. Khi đó, ASEAN mới có thể tối đa hóa lợi ích từ việc hội nhập với thế giới.