Trước thềm năm mới 2019, phong trào Áo vàng tại Pháp đã có xu hướng giảm nhiệt khi ngày 22/12, chỉ có khoảng 800 người xuống đường ở Paris và không có cuộc đụng độ nào với cảnh sát trong cuộc biểu tình toàn quốc lần thứ 6 này. Hơn một tháng qua, phong trào biểu tình Áo vàng đã biến thành bạo loạn và làm chao đảo nước Pháp. Nhờ phản ứng kịp thời và cùng một số cam kết của Tổng thống Emmanuel Macron, làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu ở Pháp đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên khi mà “cơn lốc” tại Pháp tạm lắng xuống, các nhà lãnh đạo thế giới lại canh cánh một mối lo mới bởi phong trào “Áo vàng” đang lan ra nhiều quốc gia khác như Anh, Bỉ, Italy, Israel, Canada…
Làn sóng biểu tình “Áo vàng” bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. (Nguồn: CNN) |
Hiệu ứng Domino
Toàn châu Âu đang trải qua một mùa Đông “nóng” khi làn sóng biểu tình từ Pháp đã vượt biên giới. “Hiệu ứng domino” từ bạo loạn tại Paris đã khiến 17.000 người Áo xuống đường tại Thủ đô Vienna (Áo) trong ngày 16/12, phản đối chính sách di cư của chính phủ, đề nghị giới chức xem xét giảm ngày làm việc và bãi bỏ một số quy định khác.
Tình hình tương tự đã diễn ra tại Anh khi “đốm lửa” bất mãn xung quanh vấn đề Brexit được thổi bùng. Ngày 14/12, các nhà hoạt động ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng mặc trang phục áo vàng đã tiến hành cuộc tuần hành trên cầu Westminster, yêu cầu chính phủ đẩy nhanh tiến trình Brexit.
Tại Hà Lan, những người Áo vàng xuống đường đòi giải quyết vấn đề chi phi sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Ở Turin, miền Bắc Italy, khoảng 70.000 người cũng đã biểu tình phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là lãng phí ngân sách công.
Vượt bờ Đại Tây Dương sang tới Canada, những người biểu tình Áo vàng cũng đã xuống đường tại nhiều thành phố như Edmonton, Toronto, Calgary và Halifax để phản đối một số chính sách của Chính phủ Canada. Phẫn nộ trước việc chi phí sinh hoạt tăng cao chóng mặt, nhiều người Israel đã quyết định dấy lên phong trào Áo vàng của riêng mình tại Tel Aviv, nhằm buộc chính phủ phải nhượng bộ một số yêu cầu.
“Thức tỉnh” và thịnh nộ
Phong trào “Áo vàng” giờ đã nhanh chóng lan rộng và truyền cảm hứng cho người biểu tình tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể thấy, mẫu số chung cho tâm lý giận dữ, phản kháng của người dân là sự mệt mỏi, chán nản khi kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cú sốc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng thấp không đủ tạo thêm việc làm, an ninh không được đảm bảo, đói nghèo gia tăng và hơn hết là sự bất công xã hội, khiến bất bình đẳng ngày một nới rộng. Chênh lệch giàu - nghèo đang được coi là “cơn sóng ngầm” có nguy cơ tàn phá các giá trị xã hội ở nhiều nước.
Mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn dường như đã trở thành ranh giới mới trong nền chính trị phương Tây. Những người nông dân cảm thấy bị bỏ rơi, dẫn đến căm phẫn giới thượng lưu đô thị. Một bộ phận không nhỏ người có thu nhập thấp ở châu Âu đang vật vã trong tuyệt vọng về kinh tế, căng thẳng về xã hội, cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp, bị phân biệt đối xử…
Trong môi trường thiếu vắng hy vọng vào ngày mai, sự chán nản trước các chính sách cải cách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ, thì việc người dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ như ở Pháp là không hề khó hiểu.
Đến nay, các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” vẫn được cho là tự phát, thiếu tổ chức và người lãnh đạo. Song điều đó không ảnh hưởng nhiều đến yêu cầu họ đưa ra ngày càng cao, theo đó rõ rệt nhất là giảm thuế, chi phí sinh hoạt và gia tăng chi tiêu xã hội. Điều này cho thấy, bất kỳ chính sách kinh tế nào, nếu không chú ý đến an sinh xã hội, đều bất ổn.
Truyền cảm hứng
Dù khởi đầu là phong trào tự phát, không có lãnh đạo và đảng phái “chống lưng”, nhưng lực lượng Áo vàng đã thành công khi buộc chính quyền Tổng thống Macron rút kế hoạch tăng nhiên liệu và đưa ra một số nhượng bộ khác. Đây là yếu tố truyền cảm hứng cho những người “Áo vàng” tại các quốc gia xuống đường nhằm yêu cầu quyền lợi về mình.
Cuối cùng, làn sóng biểu tình trong một “mùa Đông rối loạn” có thể là điềm báo của “mùa Xuân thịnh nộ” khi mâu thuẫn, bất mãn và chia rẽ còn hiện hữu trong lòng nhiều xã hội. Do đó, tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho những vấn đề kinh tế – xã hội gây bức xúc, đồng thời hàn gắn rạn nứt xã hội và khôi phục lòng tin của người dân nhằm ngăn “cơn ác mộng” thành sự thực sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ các quốc gia này trong năm 2019.