Hình ảnh những con voi ma mút sống lang thang ở Bắc Cực nhiều ngàn năm trước (Nguồn: Science) |
Người đầu tiên đặt chân đến Bắc Cực là nhà thám hiểm người Mỹ Robert Peary, vào năm 1909. Hoặc có thể đó là Frederick Cook, vào năm 1908. Các nhà sử học vẫn không chắc chắn ai là người đầu tiên đến đó.
Tuy nhiên, trong một bài báo mới được đăng tải trên tạp chí Science (Mỹ), một nhóm các nhà nghiên cứu Nga khẳng định con người đã đến vùng này từ 45.000 năm trước đây.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu xác một con voi ma mút lông len được tìm thấy ở Siberia (Nga). Con vật này đã bị xẻ thịt 45.000 năm trước đây, mười ngàn năm sớm hơn so với thời điểm con người được cho là đã vượt qua phía bắc của vòng Bắc Cực.
Từ “Siberia” gần như đồng nghĩa với “cực kỳ lạnh”. Thậm chí thật khó cho con người ngày nay sinh sống ở đó, nhưng hàng ngàn năm trước, con người đã lang thang trên địa hình băng giá ở Bắc Cực.
"Có 2 điều làm cho phát hiện này trở nên cực kỳ quan trọng” – bà Ann Gibbons, phóng viên của tạp chí Science nhận định.
"Thứ nhất, xác con voi có rất nhiều thương tích, cho thấy nó đã bị con người đánh đập và bắn... Điểm thứ hai thực sự thú vị là, khi các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp kiểm tra bằng đồng vị phóng xạ, đã thấy hài cốt con voi có khoảng 45.000 năm tuổi. Mốc này lớn hơn sự hiện diện sớm nhất của con người ở Bắc Cực ít nhất 10.000 năm".
Người cổ xưa có thể đã đi rất xa về phía Bắc để săn những con voi ma mút, bà nói.
"Thời cổ xưa, đây là một khu vực thảo nguyên rộng lớn đầy voi ma mút, tê giác lông len cỡ lớn, tuần lộc và nai sừng tấm... vì vậy nếu con người có thể tìm cách để sống trong cái lạnh và đi lên phía bắc, họ đã may mắn có một nguồn thực phẩm tuyệt vời để sử dụng khi cần" – bà Ann nhận định.