Con người không chỉ thông minh hơn rất nhiều so với những người họ hàng thân thiết nhất là tinh tinh, con người xem ra còn thông minh nhiều hơn mức cần thiết. Con người có nhiều khả năng vượt bậc so với các loài vật khác. Những khả năng này đã giúp ích rất nhiều cho đời sống của con người chúng ta.
Con người có khả năng nhân bản loài người (Nguồn: Dr-raketic) |
Vậy trí thông minh của con người từ đâu mà ra? Những phân tích dưới đây sẽ cho chúng ta một số gợi ý.
Đặc điểm tiến hóa kỳ quặc
Có rất nhiều lí thuyết được đưa ra để giải thích về sự hình thành trí thông minh ở con người. Có lẽ, trí thông minh ở loài người là kết quả của sự chọn lọc giới tính trong tự nhiên. Ví dụ, cái đuôi đầy sặc sỡ của con chim công mang chức năng của một thứ trang sức nhằm thu hút bạn tình. Và bộ phận này hữu ích cho quá trình sinh sản, đảm bảo cho sự sinh tồn của loài chim công. Với con người, nó chỉ đơn giản là một sự may mắn khi não bộ của chúng ta hóa ra lại hữu ích cho nhiều vấn đề, từ nghĩ ra canh tác nông nghiệp đến tạo ra những động cơ đốt trong.
Hiện nay, những nhà nghiên cứu thuộc Đại học Rochester (Mỹ), đã đưa ra một quan điểm mới về sự hình thành trí thông minh ở người. Trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, hai nhà nghiên cứu Steven Piantadosi và Celeste Kidd đã đưa ra giả thuyết rằng con người đã trở nên thông minh nhờ vào một đặc điểm tiến hóa kì quặc, đó là những đứa trẻ mới sinh ra không thể tự bảo vệ mình.
Theo Tiến sĩ Kidd, những động vật mới sinh thường có thể đứng dậy và di chuyển chỉ trong vòng vài phút sau sinh, trong khi đó những đứa bé mới sinh mất tới 1 năm chỉ để học đi và cần sự giám sát liên tục của cha mẹ trong những năm kế tiếp. Sự yếu ớt mong manh của trẻ sơ sinh được xem là một trong những hệ quả của trí thông minh, hoặc ít nhất là hệ quả của kích thước não bộ. Để giữ cho đầu của đứa bé đủ nhỏ giúp cho việc sinh đẻ diễn ra một cách dễ dàng, đứa bé phải được sinh ra ở giai đoạn phát triển sớm hơn những loài động vật khác.
Tuy nhiên, cả hai Tiến sĩ Piantadosi và Tiến sĩ Kidd đều băn khoăn rằng liệu đây có phải vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân của trí thông minh của con người hay không? Họ cho rằng những đứa trẻ mỏng manh, yếu ớt sẽ cần những cha mẹ thông minh để chăm sóc chúng. Đây là một chu trình tuần hoàn, trong đó những cha mẹ càng thông minh thì cần những đứa bé càng yếu ớt, và khi những đứa bé càng yếu ớt, những cha mẹ càng phải thông minh hơn để đảm bảo những đứa trẻ sống sót qua thời thơ ấu.
Vì sao loài linh trưởng thông minh?
Một câu hỏi tiến hóa khác là tại sao trí thông minh lại phát triển đầu tiên ở những loài động vật linh trưởng, một nhóm động vật có vú xuất hiện cách đây không lâu? Những động vật đẻ trứng thay vì mang thai con không phải đối mặt với sự cân nhắc giữa kích cỡ não bộ của đứa con lúc mới sinh với khả năng của chúng.
Để kiểm tra lí thuyết của mình, Tiến sĩ Piantadosi và Tiến sĩ Kidd đầu tiên quay sang mô hình tiến hóa trên máy vi tính. Công cụ này xác nhận ý tưởng này là đúng, ít nhất là trên lí thuyết. Sau đó họ đi tìm những bằng chứng để chứng minh cho lí thuyết trong thế giới thực. Để làm được điều đó, họ tập hợp dữ liệu từ 23 loài linh trưởng khác nhau, từ tinh tinh và gorilla đến chuột lemur của quần đảo Madagasca, một loài linh trưởng dài chưa đến 30cm.
Các nhà khoa học so sánh độ tuổi trưởng thành của từng loài linh trưởng với điểm số từ những bài kiểm tra trí thông minh của loài linh trưởng. Họ tìm được một mối liên quan rõ ràng: Trong tất cả các loài động vật được thí nghiệm, độ tuổi bắt đầu trưởng thành dự đoán đến 78% điểm số thông minh của loài linh trưởng đó. Mối liên quan này vẫn giữ được sau khi tính toán đến một số lượng lớn các yếu tố khác, bao gồm khối lượng trung bình của các con mới sinh so với những con đã trưởng thành hoặc kích thước não bộ trong tổng khối lượng cơ thể.
Những nhà nghiên cứu còn nhắm đến một phần dữ liệu có thể ủng hộ kết luận của họ: một nghiên cứu về các phụ nữ Serbia được xuất bản năm 2008 cho thấy: Những đứa trẻ có mẹ có chỉ số thông minh IQ càng cao thì đứa bé càng có khả năng sống sót nhiều hơn. Điều này ủng hộ quan điểm cho rằng chăm sóc trẻ là một nhiệm vụ mang tính nhận thức.
Mặc dù ý tưởng của Tiến sĩ Piantadosi và Tiến sĩ Kidd có vẻ hợp lí trong số những kiến giải về sự ra đời trí thông minh ở người, nhưng cả hai thú nhận rằng những chứng cứ này chưa đủ để có thể chứng minh cho quan điểm mà họ đưa ra.