Chia tay ngậm ngùi
Mấy năm gần đây, khắp các tỉnh, thành miền Tây như Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… rộ lên nhiều quán đặc sản “trâu luộc mẻ”. Món ngon làm khoái lòng nhiều người, nhất là giới ăn nhậu.Tầm cuối giờ chiều, hàng quán đông đặc thực khách hồn nhiên thưởng thức thịt trâu. Trong số đó, chắc ít ai nghĩ rằng chính mình là người góp phần sau cùng trong cuộc biệt ly giữa con trâu với người nông dân; giữa con trâu với cánh đồng - hai đối tượng vốn từng gắn bó, nặng tình nợ nghĩa.
Chú Hai Tấn, chủ một quán nhậu ở Cần Thơ cho biết, ông bán thịt trâu đã 5 –7 năm nay, nguồn lấy từ các lò mổ. Dân nhậu thì tấm tắc khen thịt trâu ngon, bổ, rẻ. Nước cơm mẻ nấu lẩu sôi sùng sục, lòng trâu, thịt trâu, rau cù nèo, chuối chát thả vào… đúng là tuyệt vời! Nhưng nhiều quán “trâu luộc mẻ” mọc lên bao nhiêu thì đàn trâu giảm đi bấy nhiêu.
Năm 1995, đàn trâu ở ĐBSCL còn khoảng 130.000 con, chiếm 4,2% đàn trâu của cả nước, nhưng hiện giờ, đàn trâu chỉ còn khoảng 50.000 con, rải rác ở Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Quả thật, khó có thể nhìn thấy sự sụt giảm nào diễn ra nhanh đến vậy. Cách nay vài năm, cứ men ra đến bờ ruộng là bắt gặp con trâu. Còn bây giờ, chạy suốt một cánh đồng rộng lớn như... Đồng Tháp Mười, chưa chắc đã nhìn thấy hình ảnh quen thuộc đó.
Kết quả ấy là tất yếu của quá trình thay thế nhiệm vụ lịch sử trong canh tác lúa. Kể từ ngày chiếc máy cày xuất hiện trên đồng ruộng, số phận con trâu càng trở nên hẩm hiu. Từ là “đầu cơ nghiệp”, con trâu trở thành sức kéo của các phương tiện vận chuyển thô sơ để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu ở các vùng nông thôn như: chuyên chở lúa gạo, phân bón...
Thế nhưng, quá trình này cũng không tồn tại được bao lâu bởi sự cạnh tranh của các phương tiện giao thông hiện đại. Ông Nguyễn Văn Tư (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi nuôi hơn chục con trâu, tới mùa vụ là làm không kịp nghỉ, thu nhập khá lắm, sống khỏe ru. Sau đó, khi không ai thèm thuê nữa, tôi bắt trâu kéo xe nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, đành bán đàn trâu đi”. Hàng loạt gia đình khác ở miền Tây cũng từng nhờ trâu mà khá giả, giờ đây nhắc lại chuyện cũ ai cũng mủi lòng.
Không mủi lòng sao được khi sự gắn bó thân thiết giữa trâu và người là rất lớn. Người ta nói: Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua đất. Đất với trâu là thước đo giá trị tài sản của nhà nông. Uy thế, địa vị của người nông dân trong làng xóm, trong cộng đồng phụ thuộc vào số lượng trâu và đất.
Theo đà phát triển, cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, máy móc dần thay thế sức người, sức vật để làm ra nhiều của cải hơn cho xã hội. Sản xuất nông nghiệp cũng vậy, cơ giới hóa là ước ao của cả một thế hệ, nhưng cuộc chia tay với con trâu vẫn có cái gì đó quyến luyến, ngậm ngùi, không sao tả được.
Mai này có còn trâu?
Sau khi bộ phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được khởi chiếu và thành công vang dội, chúng tôi về Cà Mau đi tìm hình ảnh này nhưng không tìm được nữa. Theo nhiều nông dân cố cựu ở Cà Mau, từ sau mùa cấy đến mùa gặt là khoảng thời gian con trâu được phép nghỉ ngơi. Chủ trâu từ tứ xứ đưa chúng đến để hưởng thụ cỏ non, để bù đắp công sức sau một mùa cày và để lấy sức cho mùa cộ lúa.
Đạo diễn Võ Đắc Danh – người từng nổi tiếng với phim tài liệu về con trâu, nhớ lại: “Ở đây có những người chăn trâu chuyên nghiệp, mỗi người có thể lãnh chăn thuê một trăm, hai trăm con trâu tùy theo sức của mình. Chẳng hiểu từ khi nào và lý do gì, người ta gọi đó là mùa len trâu”.
Khi trâu đã nhập thành bầy, những con trâu đực bắt đầu nghinh chiến, chúng đấu nhau quyết liệt để giành ngôi vị cầm bầy. Lúc bấy giờ, người chăn trâu chỉ cần quản con trâu cầm bầy là quản được tất cả. Bản thân chúng cũng tự biết bầy đàn của mình là những con trâu nào để không lẫn lộn với những bầy trâu khác.
Khi gió bấc bắt đầu rao ngọn cũng là lúc trâu nhớ nhà, nhớ chủ, chúng ngơ ngác, ngóng trông rồi tự động tách bầy để lặn lội về quê. Người chăn trâu cực nhất là lúc ấy, phải cột dây mũi chúng vào cọc để chờ ngày chủ đến đón. Trong mối quan hệ giữa chủ trâu và người chăn trâu cũng có những quy định bất thành văn. Ví dụ như trâu chết do dịch bệnh hay do bom đạn chiến tranh thì chỉ cần báo ngay cho chủ biết mà không phải bồi thường.
Công giữ mỗi con trâu trong một mùa được tính bằng lúa, nếu trâu bệnh sẽ bị trừ công và mùa sau họ giao cho người khác giữ. Có những chủ trâu tốt bụng, khi đến đón trâu về, họ tặng cho người chăn trâu áo quần và bánh mứt.
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. “Cứu đàn trâu đang là vấn đề cấp bách đặt ra. Hiện tại, đàn trâu không còn dùng vào việc kéo cày, kéo xe như trước, nhưng việc bảo vệ, duy trì loại gia súc này là rất cần thiết, bởi con trâu gắn liền với nông thôn Việt Nam từ bao đời nay” – ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất.
Một trong những giải pháp căn cơ là chuyển sang nuôi trâu lấy thịt. Với điều kiện tự nhiên phong phú, các tỉnh miền Tây hoàn toàn có thể phát triển nghề nuôi trâu lấy thịt giống như nuôi bò, nuôi heo. Được vậy, vừa giữ đàn trâu, vừa cung cấp nguồn thịt trâu bổ dưỡng cho người tiêu dùng, không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn thế, với những đóng góp có tính lịch sử của con trâu vào nghề trồng lúa ở nước ta, việc gìn giữ hình ảnh của đàn trâu cho thế hệ mai sau là việc nên làm.
Theo SGGP