Vẻ ngoài của okapi giống ngựa vằn nhưng có họ hàng với hươu cao cổ. (Nguồn: Twitter) |
Khi lần đầu tiên nhìn thấy một con okapi, nhiều người có lẽ sẽ cho rằng loài động vật khác thường này có liên quan đến ngựa vằn.
Trên thực tế, nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, vì hai loài này có chiều cao khá tương đồng (khoảng 1,5 m), và chúng cũng có những họa tiết kẻ sọc đen - trắng trên cơ thể.
Tuy nhiên, họ hàng gần nhất của okapi lại là hươu cao cổ. Nó thậm chí có tên gọi là hươu cao cổ rừng, hươu cao cổ Congo hoặc hươu cao cổ ngựa vằn.
Các tài liệu cho biết hai loài động vật này cùng thuộc họ Giraffoidea, đều có cổ dài, móng guốc và sừng ngắn phủ da.
Hộp sọ của okapi và hươu cao cổ cũng gần như giống hệt nhau. Tuy nhiên, của okapi nhỏ hơn một chút so với hươu cao cổ. Chúng đều có một chiếc lưỡi siêu dài, màu xanh lá cây, linh hoạt, và rất lý tưởng để tuốt lá từ cây cối và bụi rậm.
Chi tiết dễ gây nhầm lẫn của okapi với ngựa vằn là chúng sở hữu các sọc đen - trắng khá nổi bật, khá giống với một con ngựa vằn trưởng thành.
Tính đến nay, đây vẫn là chi tiết đóng vai trò như một biện pháp ngụy trang hiệu quả giữa thảm thực vật rậm rạp, với mặt, cổ họng và ngực của chúng đều có màu trắng xám.
Theo một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, tổ tiên của loài này được gọi là Canthumeryx, và có sở hữu nét đặc trưng là một chiếc cổ thon dài, đã sống cách đây khoảng 16 triệu năm.
Sau Canthumeryx, cây gia phả tách thành hai nhánh, với tổ tiên của hươu cao cổ ở một bên và tiền thân của okapi ở phía đối diện.
Trong khi tổ tiên hươu cao cổ có chiếc cổ dài ra theo thời gian, thì các loài ở nhánh của okapi lại phát triển với chiếc cổ ngắn hơn.
Tuy nhiên, phải mãi đến đầu những năm 1900, thân thế của loài này mới được đưa ra ánh sáng. Trước đó, nhiều nước phương Tây đã tin rằng okapi là một con thú xuất hiện từ trong thần thoại, mệnh danh là "kỳ lân châu Phi".
Tới nay, okapi được coi là loài đặc hữu của các khu rừng nhiệt đới thuộc CHDC Congo, có độ cao từ 500 - 1.500 m so với mực nước biển.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã phân loại okapi là loài nguy cấp. Các mối đe dọa chính bao gồm mất môi trường sống do nạn khai thác gỗ và định cư của con người.