TIN LIÊN QUAN | |
10 sự kiện đối ngoại nổi bật 2016 | |
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2016 |
Sáng 29/12, tại Hà Nội, cuộc bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2016 do Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Báo Văn hóa, Báo Thể thao Việt Nam, Báo Du lịch tổ chức đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
Đây là hoạt động quan trọng được tổ chức thường niên nhằm đáng giá, tôn vinh các sự kiện tiêu biểu trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Ban Tổ chức hy vọng, thông qua việc bình chọn và công bố các sự kiện tiêu biểu sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của ngành trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cuộc bình chọn thu hút đông đảo giới báo chí. (Ảnh: T.T) |
Như thường lệ, năm nay, Ban Tổ chức đã đưa ra 15 sự kiện để các phóng viên, biên tập viên tham gia bình chọn 10 sự kiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ngoài ra, họ cũng có thể đề xuất sự kiện mình cho là tiêu biểu mà không xuất hiện trong danh sách đề xuất, giới thiệu.
Theo ông Trần Đăng Khoa – Tổng Biên tập Báo Văn hóa thì đối với một năm gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như năm nay, Ban Tổ chức đã rất phải khó khăn, đưa ra “cân, đo, đong, đếm” mới có thể đưa ra danh sách 15 đề cử. Kết quả cuối cùng, 10 sự kiện có số phiếu cao nhất đã được các phóng viên, biên tập viên đến từ 125 cơ quan báo chí bình chọn, bao gồm: 3 sự kiện văn hóa, 3 sự kiện du lịch và 4 sự kiện thể thao.
Dưới đây là nội dung 10 sự kiện văn hóa, du lịch và thể thao tiêu biểu nhất năm 2016:
1. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 1/12/2016, tại kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, diễn ra tại thành phố Addis Ababa (Ethiopia), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ 9 của Việt Nam được ghi danh vào danh sách này, góp phần tôn vinh văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế, hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tôn vinh, đề cao vai trò của người mẹ, góp phần gia tăng lòng khoan dung giữa các tộc người và tôn giáo; thể hiện sự sáng tạo của con người trong các thực hành nghi lễ, lễ hội, các sinh hoạt văn hóa liên quan, ở đó những yếu tố văn hóa, nghệ thuật như: hát chầu văn, nhạc lễ, múa thiêng, trang phục, trình diễn... mang đậm bản sắc văn hóa Việt nam, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.
2. Di sản Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được Ủy ban Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 18-21/5 tại TP. Huế, ủy ban này đã vinh danh Di sản Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) là Di sản Tư liệu Thế giới.
Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. (Nguồn: BTC) |
Phần lớn các công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời Nguyễn (1802-1945) có thơ văn và được trang trí “Nhất thi nhất họa”, “Nhất tự nhất họa” tổng số có 2.679 ô thơ văn và cũng có ngần ấy ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỡ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sư. Đây thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.
Mộc bản Trường học Phúc Giang (còn được gọi Mộc bản Trường lưu) là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam. Đây là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc học dạy và học. Hình thức khắc tinh xảo, phong phú, tư pháp đẹp trên chất liệu gỗ Thị, lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu. Mộc ản khẳng định bản quyền của 5 nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình ba thế hệ của dòng họ Nguyễn Huy (nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ở thế kỷ XVIII, chứa nhiều thông tin về lịch sử, chính trị - xã hội, tư tưởng - văn hóa, ngoại giao...
3. Chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội, công diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao.
Nhà hát lớn Hà Nội. (Nguồn: BTC) |
Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ biểu diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao đã được giới chuyên môn và khán giả công nhận về chất lượng nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Đây là luồng gió mới trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp công lập trong năm 2016 và là chủ trương mang tính đột phá về cách tổ chức, tạo hiệu ứng cao trong xã hội.
4. Lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế trong một năm. Tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Du lịch Việt Nam đã đón 10 triệu khách quốc tế trong năm 2016. (Nguồn: BTC) |
Năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, phục vụ 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Du lịch, khẳng định vi thế và sự đóng góp của ngành Du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 2 mốc kỷ lục từ trước đến nay: tổng số khách nhiều nhất trong 1 năm (10 triệu khách) và mức tăng tuyệt đối trong 1 năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015)
5. Bộ Chính trị họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được giao xây dựng đề án “Phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo. Đề án đã được xây dựng trên cơ sở quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tại nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn.
6. Quyết định thu hồi hạng sao của 36 khách sạn từ 3-5 sao trong chiến dịch “Thay đổi hình ảnh du lịch Việt Nam”.
Chiến dịch nâng caao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam. (Nguồn: BTC) |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Bộ đã triển khai Kế hoạch Tổng kiểm tra, rà soát và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú tại 25 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm và ra quyết định thu hồi hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3-5 sao. Chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng phục vụ.
7. Lần đầu tiên, thể thao Việt Nam đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, thiết lập kỷ lục tại Olympic Rio 2016 qua thành tích thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Đây là thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành. Thành tích của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã giúp cho thể thao Việt Nam lần đầu tiên đạt được vị trí 48/206 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Thế vận hội này.
8. Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam đoạt 1 Huy chương Vàng, phá kỷ lục Paralympic, phá kỷ lục thế giới ở mức tạ 183kg, do vận động viên Lê Văn Công mang lại.
Vận động viên Lê Văn Công. (Nguồn: BTC) |
Đây là tấm Huy chương vàng đầu tiên của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại đấu trường thể thao người khuyết tật thế giới kể từ khi hòa nhập với cộng đồng thể thao khuyết tật quốc tế từ năm 2000 đến nay. Đặc biệt, tấm Huy chương vàng này được xem là biểu tượng cho ý chí, nghị lực phi thường của con người Việt Nam luôn vươn lên chiến thắng số phận.
9. Đội tuyển bóng đá U19 Quốc gia giành vé tham dự vòng Chung kết FIFA U20 World Cup.
Tại Vòng Chung kết U19 châu Á, U19 Việt Nam ở bảng B cùng các đội được đánh giá rất mạnh, gồm Triều Tiên, UAE và Iraq. Dù bị xem là đội “lót thường” nhưng ngay ở trận ra quân, U19 Việt Nam đã tạo cơn địa chấn khi đánh bại đội đương kim á quân U19 châu Á là U19 Triều Tiên với tỷ số 2-1. Lượt trận thứ 2, U19 Việt Nam đã thi đấu kiên cường để hòa U19 UAE với tỷ số 1-1. Và, U19 Việt Nam cũng xuất sắc cầm hòa được U19 Iraq với tỷ số 0-0.
U19 Việt Nam được đánh giá là bất ngờ thú vị của bóng đá châu Á. Ngay cả Tổng thư ký Ban Tổ chức FIFA U20 World Cup 2017 đã thay mặt Ban Tổ chức gửi lời chúc mừng và bày tỏ khâm phục nỗ lực và tinh thần thi đấu tuyệt vời của đội tuyển U19 Việt Nam.
10. Lần đầu tiên Bơi Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại Giải vô địch Bơi châu Á, do công của VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên.
Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên. (Nguồn: BTC) |
Năm 2016 tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ về thành tích chuyên môn của Bơi lội Việt Nam khi vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu xuất sắc giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục tại Giải vô địch Bơi châu Á (nội dung 400m hỗn hợp, với thành tích 4 phút 37 giây 71) và 2 Huy chương Đồng (nội dung 200m tự do, 200m cá nhân hỗn hợp và 800m tự do). Đây là thành tích xuất sắc nhất của Bơi lội Việt Nam từ trước tới nay và Ánh Viên cũng đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách và vận động viên đầu tiên đoạt Huy chương Vàng bơi châu Á.
2016: Năm của nhiều bất ngờ Tờ Le Figaro (Pháp) đã điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm vừa qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ... |
10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2016 Năm 2016 đánh dấu hàng loạt cột mốt lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử thể thao Việt Nam, như tấm HCV Olympic đầu ... |
Nhiều hoạt động văn hóa chào đón Năm mới 2016 TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh sẽ có nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm, bắn pháo hoa, đếm ngược chào năm mới, xiếc… |