Chủ trì buổi họp báo cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các luật: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Bảo hiểm kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa VX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14/6/2022.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. (Ảnh: Lê An) |
Tại đây, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của Luật khi được ban hành.
Luật gồm 5 chương, 33 điều với bố cục và nội dung cơ bản, là cơ sở pháp lý quan trọng vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, để triển khai Luật, Chính phủ cần ban hành 1 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật; Bộ Công an trong phạm vi chức năng của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Luật.
Thông tin về Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nêu rõ, Luật gồm 8 chương, 96 điều, có các điểm mới: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.
Luật thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích";
Luật chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" (Khoản 2 Điều 96)...
Với các chính sách đột phá nêu trên, Luật kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng…
Giới thiệu về Luật Điện ảnh năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật vừa được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, thay Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.
Luật kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung so với các luật trước đây về khái niệm, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; những nội dung và hành vị bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất phim; chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; lưu chiểu, lưu trữ phim; liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam.
Để đảm bảo các nội dung của Luật được triển khai có hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Về Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Đức Chi nêu rõ, Luật gồm 7 chương, 157 điều, trong đó có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.
Cùng với đó là những sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tải bảo hiểm, bảo hiểm vi mô.
Những sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước, trong đó bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Lê An) |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá; Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, Luật tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn về: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan;
Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước;
Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bổ hộ quyền sở hữu trí tuệ; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: “Luật đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đầy chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm đảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính đồng bộ, khả thi”.
Kết thúc buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan đã giải đáp sâu hơn cho các cơ quan báo chí về các luật vừa được thông qua nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trong thời gian tới.
| Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đúng và trúng kỳ vọng của nhân dân Trong 19 ngày làm việc trực tiếp tại hội trường (từ ngày 23/5-16/6), Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết ... |
| Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển Từ ngày 13-17/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 32 các quốc ... |