Nhỏ Bình thường Lớn

Cán bộ ngoại giao cần tầm nhìn rộng

Những từ “ý nghĩa”, “ấn tượng” và “yêu mến” luôn được nhắc đến với nụ cười trên môi của cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho khi ông chia sẻ với phóng viên TG&VN suy nghĩ về đất nước, con người Việt Nam cũng như công việc của ông khi ở đây.
TIN LIÊN QUAN
can bo ngoai giao can tam nhin rong Khẳng định vai trò chủ công của đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
can bo ngoai giao can tam nhin rong “Làm kinh tế” ở xứ mặt trời mọc!

Việt Nam ngày nay có lẽ khác nhiều so với khi ông mới tới?

Sau 30 năm kể từ khi áp dụng chính sách Đổi mới năm 1986, có thể nói, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ mạnh mẽ.

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 12/1998. Thời điểm đó, hầu như Việt Nam không có ô tô, rất ít xe máy, phần lớn người dân di chuyển bằng xe đạp, mức sống rất thấp. Sau 18 năm, Việt Nam đã có rất nhiều  ô tô, xe máy; cao ốc mọc lên nhiều hơn; đời sống người dân được cải thiện trông thấy.

Tôi có nhiều cơ hội đi đến các địa phương của Việt Nam và được tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, những thay đổi về diện mạo, cơ sở hạ tầng, giao thông, đường bộ, đời sống người dân thịnh vượng hơn. Đó chính là thành quả Việt Nam đã đạt được trong 30 năm đổi mới.

Việt Nam Airlines hiện có rất nhiều đường bay đến các thành phố trên thế giới và chỉ điều đó thôi đã có thể thấy Việt Nam hội nhập quốc tế một cách mạnh mẽ như thế nào.

Theo ông, những yếu tố nào đã góp phần làm nên thành tựu này?

Chính sách đối ngoại tích cực và mạnh mẽ trong suốt thời gian qua chính là một trong những yếu tố tạo tiền đề cho những thành quả tích cực của Việt Nam. Đối ngoại và kinh tế là hai mặt không thể tách rời hay xem xét độc lập mà luôn gắn kết mật thiết với nhau. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã có những đường lối đối ngoại rất đúng đắn và hợp lý, giúp Việt Nam có được những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế như ngày hôm nay.

can bo ngoai giao can tam nhin rong
Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho.

Trước tiên là việc Việt Nam tiến hành chính sách Đổi mới năm 1986 và sau đó là mở cửa về mặt đối ngoại, rồi đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là những chính sách rất sáng suốt và thông minh.

Năm 1995, Việt Nam đã gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO trong bối cảnh chưa tích luỹ được nhiều nguồn vốn nên Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, lĩnh vực này vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là sự phát triển ngày một lớn hơn của cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, gần đây, Việt Nam rất tích cực trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với ASEAN, EU, các đối tác xuyên Thái Bình Dương,… Điều này cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ, tích cực hơn của Việt Nam với quốc tế.

Điều ông nhớ nhất trong vai trò là Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam?

Trong nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam của tôi có một sự kiện rất lớn là kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (1992-2012). Năm 2012, có rất nhiều hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá cũng như giao lưu con người diễn ra sôi nổi.

Đại diện nhiều quốc gia khác từng đánh giá rằng, khoảng thời gian 20 năm dù chưa dài nhưng hai nước đã có mối quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp và đạt được nhiều thành tựu một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, đồng thời lại đưa ra được phương hướng phát triển quan hệ ngoại giao cho tương lai. Đây là điều hết sức quan trọng giúp quan hệ song phương sau này phát triển thành mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp.

Với tư cách là Đại sứ ở thời điểm đó, tôi cảm thấy nhiệm kỳ của mình rất có ý nghĩa.

can bo ngoai giao can tam nhin rong

“Khi nói về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc với người nước ngoài, tôi chỉ cần nói tóm lược một câu về số lượng chuyến bay giữa hai nước vào khoảng 150 chuyến/tuần, họ có thể hình dung mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển một cách mật thiết và chặt chẽ như thế nào”.

Nhiệm kỳ của tôi kéo dài có 2 năm 3 tháng. Trong công tác đối ngoại, đây chỉ là một khoảng thời gian ngắn. Nhưng chính bởi vậy nên tôi càng muốn làm việc hết sức mình và đã hoàn thành những công việc mà đáng ra phải làm trong 4 năm. Tôi rất yêu Việt Nam nên có lẽ điều đó cũng giúp tôi cố gắng hết mình trong công việc.

Trong cùng nhiệm kỳ của tôi, có nhiều nhà ngoại giao Việt Nam giỏi. Tôi thường xuyên tiếp xúc và rất ấn tượng với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn - vị Đại sứ hiểu rất rõ về văn hoá Hàn Quốc, cũng có thể coi là một nhà thơ vì ông sáng tác rất nhiều thơ, đặc biệt là thơ về quan hệ hai nước. Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng để lại trong tôi những ấn tượng đặc biệt về những thành tích nổi bật và xuất sắc của ông trên trường quốc tế.

Nhiều người coi ông là Đại sứ kinh tế trong quan hệ hai nước. Động lực nào giúp ông tạo được dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình?

Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động rất lớn đến Hàn Quốc. Sau thời điểm này, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu quan tâm tới việc tìm kiếm những thị trường nước ngoài, đầu tư tại Trung Quốc bắt đầu rút dần.

Khi đó, dù đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư tại Việt Nam, nhưng đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam còn rất mới mẻ khiến họ băn khoăn khi đưa ra quyết định đầu tư. Khi được tham vấn, tôi luôn nói với họ rằng Việt Nam thực sự là một thị trường rất tốt, đầu tư vào Việt Nam là việc rất nên làm. Ở Việt Nam, nguồn lao động rất phong phú, trình độ tay nghề cao, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng rất tốt. Hơn nữa, tại đây có những yếu tố tương đồng về văn hoá, lịch sử và con người– yếu tố mà doanh nghiệp Hàn Quốc rất coi trọng. Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp hiện đang hài lòng với quyết định của mình khi đầu tư vào Việt Nam. Với họ, đây là quyết định đúng đắn.

Hàn Quốc hiện đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đầu tư, lĩnh vực giao lưu con người giữa hai nước phát triển mạnh mẽ, tạo ra những hiệu ứng tích cực trên nhiều phương diện. Ở Hàn Quốc, hiện mức độ quan tâm đến  Việt Nam tăng lên ở cả các lĩnh vực khác như chính trị, văn hoá, học thuật,… Hiện nay mỗi ngày có 12 chuyến bay từ Hàn Quốc vào Việt Nam, điểm đến không chỉ là Hà Nội mà còn cả Đà Nẵng, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh nữa.

Dù có nhiều nền tảng thuận lợi như vậy, nhưng xét về góc độ kinh tế, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam còn cao hơn so với đầu tư từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Do vậy, thời gian tới, nếu thúc đẩy hợp tác để đạt được sự cân bằng ở cả hai phía là tốt nhất.

Theo ông, Việt Nam còn gặp những thách thức gì trong việc hợp tác kinh tế với nước ngoài?

Hiện nay, dù có tốc độ hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ, nhanh chóng, sâu rộng, nhưng để đạt được hiệu quả mong muốn trong mối quan hệ với các quốc gia khác, Việt Nam cần có chuẩn bị tốt.

Chẳng hạn, Việt Nam cần có những biện pháp đối phó hợp lý với những vấn đề nảy sinh với từng quốc gia liên quan sau khi các FTA thế hệ mới chính thức có hiệu lực. Bộ Ngoại giao là đơn vị có liên quan nên cần hợp tác cùng các cơ quan hữu  quan để giải quyết  và đưa ra chính sách hợp lý cho những vấn đề này. Hoặc, với vai trò là thành viên ASEAN, nếu tận dụng tốt mối quan hệ với các quốc gia thành viên khác trong ASEAN, đây cũng là cơ hội rất tốt của Việt Nam.

Theo ông, trong tương lai, ngoại giao kinh tế của Việt Nam nên tập trung vào lĩnh vực cụ thể gì?

Việt Nam hiện thu hút đầu tư rất mạnh mẽ nhưng chủ yếu vẫn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore. Do vậy, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cần mở rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu,… Ngoài ra, quy mô kinh tế của Việt Nam gần đây đã phát triển lớn mạnh và sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, đã được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, để sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều và đến được với những thị trường có tiếng tăm, Chính phủ Việt Nam cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Cùng với quy mô kinh tế ngày càng phát triển, việc doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng. Tôi nghĩ rằng, các cán bộ ngoại giao của Việt Nam cần có tầm nhìn rộng hơn để đưa ra những đánh giá, tư vấn thích hợp ở lĩnh vực cụ thể cho doanh nghiệp trong nước vươn tới các thị trường nước ngoài.

Sẽ có khoảng 50 quốc gia đối tác có liên quan đến Việt Nam qua các FTA thế hệ mới. Trong tương lai, vô số các vấn đề khác nhau sẽ nảy sinh. Vì vậy, các cán bộ ngoại giao khi được cử ra làm việc ở nước ngoài cũng cần phải vững kiến thức, nắm rõ tình hình của quốc gia mà mình được nhận nhiệm vụ để có những ý kiến đóng góp tốt cho Việt Nam khi giải quyết những vấn đề này.

Xin cảm ơn ông.

can bo ngoai giao can tam nhin rong Nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược của ngành Ngoại giao là một trong những nhiệm vụ ...

can bo ngoai giao can tam nhin rong Phát huy vai trò kết nối

Đến Việt Nam từ năm 1992 từ khi còn là nhà ngoại giao trẻ, đó là cơ duyên để ông Giles Lever trở lại mảnh ...

can bo ngoai giao can tam nhin rong Vai trò then chốt trong kiến trúc thể chế hiện đại

Tôi đã có vinh dự là Đại sứ Pháp tại Việt Nam từ tháng 3/1989 tới mùa xuân năm 1993, một giai đoạn quan trọng ...

Hạ Nhi (thực hiện)