📞

Công bố những phát hiện mới về nghệ thuật chế tác vĩ cầm

15:13 | 22/05/2018
Giới khoa học lâu nay cho rằng, các nhà phát minh ra đàn vĩ cầm (violin) muốn mô phỏng giọng nói của con người và kết quả nghiên cứu công bố ngày 21/5 đã củng cố thêm luận điểm này.

Các nhà khoa học Đài Loan (Trung Quốc) đã đề nghị một nghệ sỹ violin chuyên nghiệp chơi 15 nhạc cụ cổ, trong đó có 1 cây đàn chế tạo năm 1570 dưới "bàn tay ma thuật" của nghệ nhân nổi tiếng người Italy Andrea Amati - cha đẻ của violin 4 dây hiện đại.

Trong khi đó, những nghệ sỹ khác chơi các nhạc cụ do nghệ nhân Antonio Stradivari chế tạo và cải tiến trên nền tảng thiết kế của Amati.

Các nhà khoa học cũng tiến hành ghi âm tông giọng của 8 nam giới và 8 nữ giới, trong độ tuổi từ 16-30 hát những đoạn ca khúc tiếng Anh thông dụng.

Nghệ nhân Antonio Stradivari chế tạo và cải tiến trên nền tảng thiết kế của Amati. (Nguồn: PublicDomain)

Sau khi phân tích âm thanh kỹ lưỡng, các nhà nghiên cứu phát hiện, một chiếc vilolin do Amati chế tạo năm 1570 và một cây vĩ cầm do Gasparo da Salo chế tạo năm 1560 mô phỏng giọng bass (nam trầm) và baritone (nam trung) của các nam ca sỹ, trong khi các cây vĩ cầm hiệu Stradivari lại cho âm vực khá giống giọng tenor (nam cao) và alto (nữ trầm) của nữ.

Không ai biết chính xác violin (thuộc bộ đàn dây) ra đời khi nào, nhưng các nhà khoa học ước đoán vĩ cầm lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 15 hoặc đầu thế kỷ 16. Một trong số những nghệ nhân đầu tiên làm đàn violin là Gasparo Bertolotti ở thành phố Brescia (Italy).

Sau này, việc hoàn thiện cây đàn do các nghệ nhân trường phái Crémona thực hiện.

Người sáng lập trường phái Crémona là Andrea Amati, đã đặt tiêu chí làm sao tiếng đàn violin đạt tới tiêu chuẩn giống với giọng con người, có nghĩa là âm vực rất sâu lắng, dày dặn và ấm áp với các sắc thái khác nhau, trong khi tiếng đàn rất linh hoạt, uyển chuyển, có khả năng thay đổi nhanh.

(theo Inquirer Technology, TTXVN)