Ngày 8/8/1967, tại Bangkok, Ngoại trưởng 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã đưa ra Tuyên bố đầu tiên của ASEAN, với câu mở đầu là “Ý thức rằng có những lợi ích hỗ tương và cả những vấn đề chung giữa các nước Đông Nam Á”, để từ đó nêu bật “sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa những ràng buộc hiện có của sự đoàn kết và hợp tác khu vực”. “Những ràng buộc” đó chính là “thành lập một hiệp hội hợp tác khu vực giữa các nước Đông Nam Á, gọi là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.
Cộng đồng chung
ASEAN hiện đang ở trong năm thứ nhất của Cộng đồng ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á, mà thể hiện “sống” chính là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), xuất hiện trong mắt người dân như một thị trường chung duy nhất, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề lưu chuyển tự do. Không còn là những con chữ “trừu tượng” trong “Tầm nhìn 2020” năm 1997, hay trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II 2003, mà là những gì mà người dân có thể chạm đến hàng ngày.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5, trái) chụp ảnh chung với các Bộ trưởng ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 49. |
Việc tự do đi lại của công dân trong khuôn khổ ASEAN từ 2006 chính là bước ngoặt “nền tảng” của việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Những nhà báo năm 1995 phải xin visa quá cảnh Singapore, từ đó bay đến thủ đô Brunei và chờ đợi ở sân bay để lấy visa nhập cảnh vào đưa tin Việt Nam gia nhập ASEAN, ắt hẳn vẫn còn nhớ cảm nhận lúc đó khi đọc “Tầm nhìn 2020”: Ôi, sao xa xôi thế, Cộng đồng ASEAN! Ấy thế mà, sau hơn 10 năm, người dân ASEAN thoải mái đi trên những tuyến bay, tuyến đường “thênh thang” nối liền các thành phố ASEAN! Từ đó, cảm thấy tính cộng đồng hơn. Một qui luật hết sức tự nhiên: mọi cộng đồng lớn, nhỏ phải có một không gian chung để có thể là một cộng đồng. Việc người dân ASEAN tự do đi lại, cho dù là du lịch ngắn hạn, trong “khuôn viên” ASEAN đã hiện thực hóa khái niệm “Cộng đồng ASEAN”.
Thị trường chung
Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ đầu năm nay, đã càng thể hiện như là bước phát triển tiếp theo của Cộng đồng ASEAN một cách hữu hình nhất. Tuy mới chỉ trải qua 7 tháng, song AEC đã hiện hữu như là một thực tế “sống”. Ở Việt Nam, thực tế ấy được cảm nhận rõ ràng qua sự háo hức của người tiêu dùng đón làn sóng xe bốn bánh lắp ráp ở Thái Lan nhập vào Việt Nam, cùng làn sóng hàng gia dụng Thái Lan tại một vài hệ thống siêu thị và bán lẻ điện máy, làn sóng bánh qui Malaysia hay Indonesia bán đầy các siêu thị và cả tiệm tạp hóa đầu ngõ... Chính trong cái thị trường “mở” toàn ASEAN đó, doanh nghiệp mỗi nước phải tự rèn cho mình tính cạnh tranh và tăng tốc phát triển.
Nhiều thanh niên Việt Nam đang tìm cơ hội việc làm ở các nước ASEAN. |
Trong cái tổng thị trường trên 620 triệu dân đó và cũng là nền kinh tế (gộp chung) lớn thứ 7 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp (số liệu năm 2014), nếu có những thị trường chưa làm người Việt yên tâm vì sức cạnh tranh, ngược lại cũng đã có những thị trường đang cạnh tranh rất ngang ngửa. Tỉ như thị trường hàng không giá rẻ, những hãng sinh sau đẻ muộn như VietJet Air của Việt Nam nay cũng đã chen chân “bình đẳng” vào nơi mà dăm, ba năm trước còn là “sân riêng” của AirAsia, Jetstar hay TigerAir...
Đây là một minh họa rất cụ thể cho AEC: Máy bay của tôi bay qua xứ anh, khách của anh đáp máy bay của tôi, và ngược lại. Cuộc “trao đổi” hàng không đó chính là biểu hiện “sống” của “những lợi ích hỗ tương giữa các nước Đông Nam Á” mà các nhà sáng lập ASEAN đã nghĩ đến cách đây 49 năm. Một điều lý thú của sự phát triển hàng không giá rẻ “trăm hoa đua nở” này của ASEAN là ở chỗ các hãng hàng không giá rẻ đó đều là tư nhân. Trong cái sân chơi hết sức “mở” và sòng phẳng đó, ai tài nghệ hơn, linh động hơn, nhìn xa hơn... sẽ thắng.
Tất nhiên, thị trường hàng không mới chỉ là một góc của thị trường chung hơn 620 triệu người tiêu dùng. Còn biết bao lĩnh vực cũng “mở” khác, như thị trường khám chữa bệnh, thị trường du học... Những nước có nền y khoa, giáo dục “mở” hơn, nay thu hút “khách” của những nước có nền y tế và giáo dục “yếu” hơn, cũng là điều dễ hiểu.
Việc ngày nay sinh viên Việt không chỉ sang Singapore du học mà còn sang cả Malaysia chính là một điều đốc thúc chúng ta phải nhanh chóng làm lại nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học! Cũng thế, làn sóng sang Singapore, Thái Lan chữa bệnh chính là một sự hối thúc Việt Nam một mặt phải nâng cấp hệ thống đào tạo y khoa, mặt khác phải cải tạo hệ thống quản trị bệnh viện! Cũng có chút an ủi là trên cái dây chuyền thị trường khám, chữa bệnh đó, cũng có vài bệnh viện như Bệnh viện tim Tâm Đức, Viện Tim ở TP. Hồ Chí Minh được bệnh nhân Campuchia tin cậy.
Tuy mới chỉ ở năm đầu tiên của AEC, song cũng đã có thể thấy rõ tính “hỗ tương lợi ích”, mà thế hệ sáng lập ra ASEAN đã nêu từ Tuyên bố Bangkok 1967, trong thực tế cụ thể là gì đối với người dân hôm nay và ngày mai.