Một gia đình quan ngại cho tương lai của con em mình trước tác động của ô nhiễm. (Ảnh: CHANGE) |
“Tôi không thể” là chiến dịch truyền thông xã hội kéo dài từ ngày 29/3 – 2/5 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động giới trẻ ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương chịu nhiều tác động của ô nhiễm không khí từ than đá tham gia cuộc chiến với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, qua đó hiểu hơn về vấn đề năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là việc phát triển các nhà nhiệt điện than, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Chiến dịch hướng tới truyền cảm hứng cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhắc nhở mỗi người phải quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, và cùng lên tiếng đề xuất những thay đổi trong chính sách năng lượng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Theo báo cáo của Đại học Harvard (Mỹ), mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết vì nhiệt điện than. Đến 2030, con số này sẽ tăng lên 25.000 người.
Hai bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản gia đình và phiên bản đời thường vừa được Tổ chức CHANGE Việt Nam phối hợp với Liên minh Năng lượng Bền vững (VSEA) công bố. Với thông điệp chính “Đừng để ô nhiễm hủy hoại cuộc sống của bạn”, hai bộ ảnh của chiến dịch đã cho thấy những ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm gây ra đối với cuộc sống con người.
Nhiếp ảnh gia Vũ Bảo Khánh – tác giả của bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản gia đình chia sẻ: “Về một tương lai gần, với chất lượng không khí xấu đến trầm trọng, ngay cả việc hít thở cũng là nguyên nhân gây hại đến sức khoẻ con người. Chiếc mặt nạ phòng độc từ thời Liên Xô (cũ) vẫn được sử dụng để bảo hộ trong môi trường làm việc độc hại, nay lại cần thiết để bảo vệ cho sức khoẻ con người. Nó hiện hữu trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi từ trên xuống dưới. Cuộc sống với con người vẫn tiếp diễn nhưng sự có mặt của chiếc mặt nạ trong các hoạt động thường ngày không hề dễ chịu”.
Bộ ảnh có sự tham gia của 5 gia đình với 5 câu chuyện khác nhau. Từ đôi bạn mới cưới với nỗi sợ lãng quên khuôn mặt nhau khi bị che giấu bởi mặt nạ phòng độc, đến cảnh hai gia đình đang hạnh phúc ấm êm phải quan ngại cho tương lai con mình sống trong bầu không khí ô nhiễm, hay cảnh tượng éo le của một cặp vợ chồng vốn bận bịu việc riêng lúc muốn bày tỏ yêu thương lại không thể biểu đạt cảm xúc. Cuối cùng là nỗi lo lắng của một ông bố về việc con mình sẽ không còn dưỡng khí để thở. Những bức tranh đã phô bày hiện thực cuộc sống mà mỗi người sẽ phải trải qua nếu im lặng trước tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một báo động.
Bênh cạnh bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản gia đình, chiến dịch còn nhận được thêm bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản đời thường do một số bạn yêu và quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thực hiện. Bộ ảnh này cho thấy sự bất tiện của việc đeo mặt nạ ở nhiều địa phương và nhiều hoàn cảnh khác nhau như công viên, chợ và đặc biệt nhất là những khoảnh khắc người dân phải đeo mặt nạ khi sinh hoạt tại điểm nóng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) cũng được ghi lại.
Hai bộ ảnh “Tôi không thể” phiên bản gia đình và phiên bản đời thường là hoạt động tiếp nối bộ ảnh “Tôi không thể” trên mạng xã hội năm 2014 của các bạn trẻ và “Đêm hội nghệ thuật Hành động vì Khí hậu Power Up” với sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ hàng đầu và 1.500 bạn trẻ tại TP.HCM năm 2015.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chiến dịch “Tôi không thể” còn diễn ra các hoạt động bên lề như “Thử thách mặt nạ phòng độc”, cuộc thi “Sáng tạo slogan Tôi không thể...” cùng các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ xuyên suốt trên các mạng xã hội Facebook, Youtube và Instagram trong quá trình diễn ra chiến dịch nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo của các bạn trẻ để các thông điệp của chiến dịch lan tỏa rộng rãi hơn trong xã hội.
Một số hình ảnh trong hai bộ ảnh “Tôi không thể” bản gia đình và đời thường: