Chủ cửa hàng Việt gửi tặng khẩu trang cho các nhân viên y tế Đức. (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Lo lắng, bất an, nhớ quê hương... là những tâm trạng thường nhật của những người Việt xa quê cha đất tổ nhưng không thể về giữa cao điểm dịch bệnh Covid-19 ngày càng nguy hiểm ở nhiều nước. Cũng trong hoàn cảnh ấy, họ lại làm nên những điều kỳ diệu với những phong trào ấn tượng như may khẩu trang, tiếp sức cỗ vũ nhân viên y tế, hỗ trợ tích cực cộng đồng cũng như ủng hộ đất nước chiến thắng đại dịch...
“Chúng tôi rất cảm kích và hoan nghênh những nỗ lực và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở St. Petersburg hỗ trợ người dân và chính quyền sở tại. Các nhân viên y tế Bệnh viện Pokrovsk muốn gửi lời cảm ơn chân thành cộng đồng người Việt về hành động hỗ trợ kịp thời trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”. Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Hội đồng Lập pháp thành phố St.Petersburg (Nga) Alexander Kushchak |
Sức mạnh của sự tương trợ
Ngay từ khi thủ đô Moscow (Nga) bước vào giai đoạn cách ly vì dịch Covid-19, kiều bào tại đây đã quyết định thành lập nhóm “Tương trợ người Việt tại Nga” vào ngày 28/3 để phiên dịch và hỗ trợ bà con khám chữa hay nhập viện, đặc biệt là tư vấn tâm lý để bà con không hoang mang, hoảng sợ.
Tại Australia - nơi có hơn 250.000 người Việt và gần 20.000 du học sinh học tập và sinh sống, quản trị viên Nguyễn Đức Quyết và các thành viên của Nhóm “VSM- Cộng đồng Du học sinh Melbourne - Giúp đỡ lẫn nhau” cũng đang tất bật đi phân chia thực phẩm cho những người Việt gặp khó khăn theo chương trình “Cơm phải có thịt”. Nhóm “Mẹ Việt tại Australia” do chị Nguyễn Bảo Châu thành lập đã quyên góp được khoảng 25.000 AUD, xấp xỉ 50 tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ gói, quần áo, đồ dùng các loại... hỗ trợ cho trên 300 trường hợp khó khăn, tại các tiểu bang như Victoria, New South Wales, Queensland, Adelaide...
Trong dịch bệnh cũng hiểu hết vai trò và ý nghĩa của những Hội đoàn người Việt ở nước ngoài. Điển hình là Hội người Việt Nam tại Nhật Bản với Chiến dịch hỗ trợ y tế cho cộng đồng người Việt huy động sự tham gia của nhiều hội nhóm và các tình nguyện viên Việt Nam tại Nhật Bản, hay Hội người Việt Nam tại Pháp đã tạo ra một hoạt động tương trợ khác nhằm giúp đỡ những người lớn tuổi trong cộng đồng người Việt. Hoạt động ý nghĩa này cũng đang được Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp tích cực hưởng ứng cùng phong trào “Ở nhà” nhằm phòng chống lây lan dịch bệnh.
Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã chủ động mua 10.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn phân phát tới toàn thể bà con. Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển đặt may 20.000 chiếc khẩu trang tặng miễn phí cho bà con người Việt, cộng đồng người Việt tại đây cũng có nhiều hoạt động tương trợ lẫn nhau như giữ trẻ miễn phí cho phụ huynh phải đi làm, hỗ trợ mua thực phẩm dự trữ, giao đến tận nhà cho những ai có vấn đề sức khỏe để yên tâm tự cách ly.
Những món quà gửi đến người Việt khó khăn tại Australia. (Ảnh: Nguyễn Bảo Châu) |
Cùng tri ân quê hương thứ hai
“Những người Việt và gốc Việt sinh sống tại Pháp rất đồng cảm và chia sẻ với đồng bào trong nước, đặc biệt với đời sống các bà con nghèo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều do cơn đại dịch Covid-19 này. Sự hỗ trợ quyên góp của chúng tôi hy vọng sẽ chia sẻ được những khó khăn trong nước”. Chủ tịch Hội quốc tế Phát triển giáo dục ở Việt Nam Nguyễn Huy Hiệt |
Không chỉ tuân thủ nghiêm các biện pháp chống dịch của nước sở tại, người Việt Nam tại khắp nơi trên thế giới còn phát động nhiều hoạt động sẻ chia và tri ân quê hương thứ hai của mình. Tại Đức, trước lệnh phong tỏa và khi phải ngồi cách ly ở nhà, nhìn cảnh thiếu thốn khẩu trang cho hệ thống y tế của Đức, cộng đồng người Việt ở Berlin, Dresden, Hamburg... đã phát động phong trào may khẩu trang mang tặng cho các nơi cần. Đặc biệt, chủ nhà hàng người Việt Little Long Restaurant tại Đức còn tận tay mang một số xuất Sushi và khẩu trang đến tặng các bác sĩ, y tá và nhân viên điều dưỡng tại trại Corona Pandemie và Bệnh viện Vivantes Friedrichshain.
Trong những ngày cao điểm của dịch Covid-19 tại Czech, người Việt tiếp tục lan tỏa phong trào tặng khẩu trang làm ấm lòng tại nước sở tại. Công ty may 9-5 của người Việt đã tặng 500 khẩu trang vải dùng nhiều lần cho đơn vị cảnh sát Plavsk (Nga) và cộng đồng người Việt Nam tại St. Petersburg của Nga trao tặng Bệnh viện Pokrovsk của thành phố 660 đôi tất y tế chuyên dụng cao cổ dùng nhiều lần dành cho các y bác sỹ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Trong khi vợ chồng bà Jennifer Lê cùng hai người bạn Việt Nam tại Singapore tặng miễn phí 6.600 chiếc khẩu trang cho những người dân đảo quốc sư tử, thì các nhóm thiện nguyện người Việt tại Czech đã hỗ trợ, tiếp sức cho các nhân viên y tế tại một số bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Những ngày này, Chính phủ Ba Lan đã nhận được 4.000 test xét nghiệm virus SARS-CoV-2, 1.500 găng tay y tế chuyên nghiệp có chứng nhận và 500 bộ quần áo bảo hộ y tế từ cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Tại Anh, Hội người Việt Nam quyên góp mua 1.100 bộ quần áo bảo hộ và 2.500 khẩu trang để hỗ trợ nhân viên y tế Anh trong tuyến đầu chống dịch. Còn ở Hungary, chỉ trong vòng hơn một tuần, Hiệp hội người Việt đã quyên góp được hơn 8 triệu Forint (gần 24.000 Euro) cùng nhiều hiện vật ủng hộ nước sở tại chống dịch Covid-19.
Tại “điểm nóng” Mỹ, hàng chục người Việt sở hữu các tiệm làm đẹp đã chung tay đóng góp hơn 134.000 chiếc găng tay và 23.000 chiếc khẩu trang cho một bệnh viện ở địa phương. Thậm chí, những người chủ của Zen Nails còn biến tiệm làm móng của mình thành một nhà xưởng nhỏ để sản xuất khẩu trang và áo bảo hộ cá nhân cho nhân viên chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
Những doanh nghiệp Việt tại các nước cũng không quên tinh thần tri ân và sát cánh cùng nước sở tại. Công ty CP Điện Việt-Lào đã trao cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Duangdy số tiền 30.000 USD để chung tay cùng đẩy lùi dịch Covid-19 tại nước này. Công ty Farmacia Orient của người Việt đã trao tặng Cơ quan Y tế công cộng quốc gia Moldova 600 bộ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 do Đức sản xuất. Tại Campuchia, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia cũng ủng hộ Chính phủ và nhân dân Campuchia số tiền 11.100 USD cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Tiệm Zen Nails ở Mỹ trở thành một xưởng nhỏ sản xuất khẩu trang và áo bảo hộ cho các bệnh viện tại địa phương. (Ảnh: Trang Nguyen) |
Một lòng vẫn hướng về quê hương
Ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và một số nước trong khu vực, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan, Czech, Nga... đã quyên góp gần 80.000 khẩu trang y tế, hàng trăm chai nước sát trùng, bộ quần áo bảo hộ và găng tay y tế để hỗ trợ xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc và một số bệnh viện tại Hà Nội phòng, chống dịch.
Đặc biệt, kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới đã chung sức, đồng lòng đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước.
Bên cạnh ủng hộ về tài chính, nhiều kiều bào đã ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho công tác phòng, chống và điều trị cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam như bà Nguyễn Thị Minh Hồng (kiều bào Đức) trao tặng hai hệ thống thiết bị y tế lắp đặt phòng cách ly áp suất âm cho Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Giám đốc Công ty Thiết bị y tế Metran chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất máy trợ thở cho đối tác Việt Nam...
Có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bà con kiều bào tại các nước vẫn tích cực quyên góp, hỗ trợ và có những hành động thiết thực hướng về quê hương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những nghĩa cử cao đẹp, trân quý của kiều bào ta thể hiện tinh thần tương thân tương ái - vốn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Những đóng góp của kiều bào rất kịp thời và cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh cộng đồng cũng đang thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với chính quyền và người dân sở tại”.