Tỏi được biết đến như một loại thảo dược sở hữu nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, ăn vào khai kinh tỳ vị.
Thực phẩm này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, chữa khí hư, tiểu tiện khó, đầy hơi khó tiêu, giảm nhọt, đờm và hạch ở phổi.
Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, allicin - thành phần chủ yếu trong tỏi có khả năng hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại, chống đông máu, giảm tình trạng tăng huyết áp, chống oxy hóa và thậm chí là ngăn ngừa ung thư một cách đáng kể.
Tuy nhiên, loại thực phẩm này vẫn khá kén người dùng vì đặc tính cay nồng và có mùi. Vì vậy, việc ngâm tỏi với giấm đã trở thành một cách làm phổ biến giúp giữ được những dưỡng chất cần thiết mà lại dễ ăn hơn rất nhiều.
Không những vậy, môi trường axit có trong giấm cũng tạo điều kiện phát huy tối đa công dụng của các thành phần dược lý trong tỏi và khiến cơ thể dễ hấp thu hơn.
Công dụng của tỏi ngâm giấm
Kích thích cảm giác thèm ăn và thúc đẩy tiêu hóa: Axit trong giấm có thể thúc đẩy cảm giác thèm ăn, giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tối đa.
Ngăn ngừa sự hình thành khối u đường tiêu hóa: Chất allicin trong tỏi được chứng minh là có tác dụng diệt khuẩn, ngăn chặn sự hình thành và phát triển khối u gây ung thư ở dạ dày.
Tăng cường sức khỏe xương khớp: Một nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh cho thấy, chỉ cần sử dụng khoảng 2g tỏi mỗi ngày sẽ làm giảm đáng kể dấu hiệu thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen (nguyên nhân chính dẫn đến các triệu chứng đau nhức xương khớp). Từ đó, kết luận rằng tỏi có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe xương.
Giải độc kim loại nặng: Hợp chất lưu huỳnh tồn tại trong tỏi có khả năng bảo vệ nội tạng tránh những tổn thương và góp phần đào thải kim loại nặng ra khỏi cơ thể.
Cân bằng huyết áp: Chất polysulfides và các phân tử lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng làm giãn cơ trơn, kích thích sản xuất các tế bào nội mạc và giãn mạch máu, từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả, đồng thời, làm giảm nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi.
Tăng cường hệ miễn dịch: Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần đã chứng minh rằng việc bổ sung tỏi hàng ngày có thể giảm 63% khả năng bị cảm lạnh so với việc sử dụng các loại giả dược khác.
Những hạn chế khi sử dụng tỏi ngâm giấm
- Đối với người mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa: Khi bị tiêu chảy do vi khuẩn xâm nhập vào đường ruột, tốt nhất không nên ăn tỏi sống. Vì như vậy sẽ làm tổn thương niêm mạc đường ruột, xung huyết, tắc nghẽn quá trình tiêu hóa và phân giải các chất, khiến tình trạng đại tiện trở nên trầm trọng hơn.
- Đối với người mắc bệnh về mắt: Tỏi có thể gây kích thích màng nhầy và mô kết mạc của mắt khiến thị lực suy yếu. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, những người bị bệnh về mắt không nên ăn quá nhiều tỏi tránh tình trạng bệnh trở nặng.
- Đối với người đang đói: Ăn tỏi khi đói sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, thành ruột, khiến dạ dày co rút, gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và dẫn đến hiện tượng đau nhói ở bụng.
| Thời tiết giá rét và cách phòng chống bỏng lạnh Tình trạng giá rét, rét đậm rét hại diễn ra thường xuyên là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị bỏng lạnh. |
| Hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt của Bộ Y tế khi người mắc Covid-19 điều trị tại nhà Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mắc Covid-19 điều trị tại nhà thực hiện tự theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi ... |