Việc thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng của doanh nghiệp là lý do chính thúc đẩy nhà đầu tư để mắt đến thị trường logistics (Ảnh:J LL) |
Nhu cầu thị trường
Theo nghiên cứu của JLL, các quỹ hậu cần đã tăng gấp đôi tài sản được quản lý bắt đầu vào năm 2020 và bước qua năm 2021, cũng như trong vòng năm năm kế tiếp, số lượng đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng tốc hơn.
Cụ thể, theo báo cáo của JLL trong hai quý đầu năm 2021, rất nhiều thương vụ công nghiệp và hậu cần lớn được giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý là việc công ty hậu cần bất động sản ESR mua lại danh mục đầu tư bao gồm 45 nhà kho và tài sản hậu cần thuộc sở hữu danh mục Milestone của Blackstone tại các thành phố lớn của Australia.
Bà Regina Lim - Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho rằng, sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chỉ mới bắt đầu tái phân bổ danh mục đầu tư và cần tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics lên 40-50% trong thời gian tới.
Phân tích của JLL cho thấy, khối lượng đầu tư dự kiến tăng mạnh ở Hàn Quốc, Australia và Trung Quốc, những nơi có sẵn các kho hậu cần hiện đại. Dòng tiền tập trung vào các quốc gia này kết hợp với nhu cầu linh hoạt từ sự thâm nhập của ngành thương mại điện tử sẽ tiếp tục bù đắp cho lợi nhuận và sự cạnh tranh các loại tài sản gay gắt.
Trong khi đó, Việt Nam được JLL khảo sát, hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Số liệu báo cáo của JLL cho thấy, bất động sản logistics và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sẽ đón nhận nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới. Có thể thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm từ các bên tham gia đầu tư.
Theo ông Paul Fisher, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, “logistics là một phần không thể thiếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường thương mại điện tử. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam”.
Triển vọng lớn
Đánh giá về tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và bất động sản công nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương, đại diện của JLL cho biết, số lượng đầu tư dự báo sẽ gia tăng gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới, khi các nhà đầu tư tìm cách gia tăng thị phần với loại tài sản này và có thể sẽ tăng gấp đôi từ mức 25-30 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025.
Báo cáo của JLL cũng cho thấy, bất động sản logistics và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất sẽ đón nhận nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều đó, có thể thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư.
Ông Tom Woolhouse - Giám đốc bộ phận Hậu cần và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết, các thương vụ đầu tư mới tập trung vào các tài sản logistics có chất lượng cao, cơ cấu khách thuê chuyển dịch sang nhóm doanh nghiệp chiến lược trong nền kinh tế mới, chủ yếu dựa trên tăng trưởng thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng. “Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, việc thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng và nhu cầu phân bổ lại ví trí đặt nhà máy của các doanh nghiệp là những lý do chính thúc đẩy các nhà đầu tư để mắt đến thị trường logistics”, ông Tom Woolhouse nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tom Woolhouse, tham gia góp phần vào khối lượng đầu tư là hàng loạt các danh mục đầu tư lớn và những thương vụ “khủng”, bên cạnh những yếu tố kinh tế vĩ mô thuận lợi. Dân số đô thị của châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 41 triệu người mỗi năm từ năm 2020-2025. Trong cùng giai đoạn trên, sẽ có thêm 760 triệu người tham gia tầng lớp trung lưu và thu nhập sẽ tăng 4% hằng năm, cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể đối với lĩnh vực hậu cần.
Thời gian gần đây, số lượng các quỹ đầu tư cốt lõi tiếp cận những lĩnh vực này ngày càng tăng, qua đó làm tăng khả năng diễn ra nhiều thương vụ giao dịch mua bán hoặc cho thuê quy mô lớn. Không ít chủ sở hữu đang sử dụng phương án này để giải phóng vốn đầu tư nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai giải pháp công nghệ mới vào kho bãi và quản lý chuỗi cung ứng.
“Cùng với việc doanh nghiệp chủ động tích cực áp dụng công nghệ và các giải pháp tự động hóa ngày càng tăng, sự hiểu biết về tầm quan trọng của các yêu cầu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), tất cả đều hướng đến một quỹ đạo mới cho lĩnh vực bất động sản logistics và công nghiệp”, ông Peter Guevara, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường châu Á - Thái Bình Dương của JLL nhận định.
“So với các nước khác trong khu vực, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, xa trung tâm. Chúng tôi nhận thấy việc thị trường cần có một lượng lớn nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển các cơ sở vật chất hiện đại là rất cần thiết. Với tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử và lĩnh vực sản xuất, chúng tôi tin rằng, thị trường logistics Việt Nam sẽ bước lên một nấc thang cao hơn, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua”, ông Peter kết luận.
| Bất động sản mới nhất: Chung cư Hà Nội tăng giá; doanh nghiệp gọi vốn bằng trái phiếu lãi cao; hồ sơ công chứng thế chấp sổ đỏ cần những gì? Bất chấp Covid-19, chung cư Hà Nội vẫn tăng giá; hồ sơ công chứng thế chấp sổ đỏ cần gì; doanh nghiệp địa ốc tích ... |
| 6 tháng đầu năm: Vốn FDI vẫn 'chảy mạnh' vào công nghiệp chế biến, chế tạo Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ... |