Ảnh minh họa. |
Sách Trắng 2014 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) vừa công bố đã chỉ rõ nguy cơ hiện hữu và rất đáng lo ngại đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là sự áp đảo hoàn toàn của dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc. Không chỉ có vậy, theo các cam kết AFTA, đến năm 2018, tức chỉ còn 5 năm nữa, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sẽ giảm về mức 0%. Bên cạnh đó, thuế suất tương tự từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (theo các hiệp định ASEAN+3 - ATIGA) cũng sẽ giảm về mức 5%.
Sức ép lớn
Trong xu hướng phát triển của thị trường ôtô thế giới, châu Á đang dần trở thành tâm điểm. Do vậy, các tập đoàn ôtô lớn cũng đặt khu vực ASEAN vào chiến lược phát triển mới của mình. Hiện chỉ có Thái Lan được xem là trung tâm công nghiệp ôtô của khu vực. Với định hướng đầu tư của các tập đoàn lớn, trong vài năm tới, công nghiệp ôtô của một số quốc gia như Indonesia, Malaysia sẽ phát triển mạnh mẽ.
Càng không thể quên rằng, dù lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định ASEAN+ chậm hơn AFTA song với sức mạnh của ba nền công nghiệp ôtô lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, sức ép của ôtô nhập khẩu càng không thể xem thường. Và hiện tại, nó cũng đã chiếm ưu thế áp đảo so với phần còn lại của thị trường.
Thực tế rằng sau 20 năm hình thành, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa thu được thành quả gì đáng kể. Nếu chiếu vào mục tiêu và tiêu chí đặt ra tại chiến lược phát triển ngành đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, nhiều chuyên gia khẳng định, công nghiệp ôtô Việt Nam đã thất bại.
Theo dự báo của EuroCham, thị trường ôtô trong năm nay với kịch bản tốt nhất cũng chỉ có lượng tiêu thụ bằng mức của năm 2007 (110.000 xe con và xe tải nhập nguyên chiếc và lắp ráp). Còn giai đoạn từ nay đến 4 năm nữa, ngành lắp ráp ôtô trong nước có khả năng chỉ đạt tăng trưởng 3%/năm do phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt với dòng xe nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN và các nước là thành viên của Hiệp định ATIGA. Bởi từ năm 2014, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN xuống còn 50%, năm 2015 là 35%, năm 2016 là 20%, năm 2017 là 10% và năm 2018 là 0%.
EuroCham cảnh báo, nếu không có biện pháp sớm cho giai đoạn 2014-2018 thì việc cắt giảm thuế khiến cho công nghiệp ôtô trong nước khó cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2012, khi Việt Nam giảm thuế cho ôtô bán tải có xuất xứ từ khối ASEAN xuống còn 15%, các nhà lắp ráp dòng xe này trong nước đã dừng hoạt động và chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan.
Ngành công nghiệp ôtô trong nước tạo 53.000 việc làm cho người lao động, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại sản phẩm trong nước. Để giúp các nhà lắp ráp trong nước phát triển, thậm chí là tồn tại, nên hỗ trợ để sản xuất các loại ôtô có tỷ lệ nội địa hóa 40% - đủ điều kiện hưởng chính sách thuế có lợi trong khối ASEAN. “Các sản phẩm này nên được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2018 để cho ngành lắp ráp có thời gian định hình, cơ cấu và củng cố vị thế trên thị trường", ông Michael Behrens, Trưởng nhóm các doanh nghiệp ôtô châu Âu tại Việt Nam kiến nghị.
Theo Chủ tịch EuroCham Preben Hjortlunch, "ưu đãi dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% có ý nghĩa thực tiễn với sản xuất xe ở Việt Nam, nếu không sẽ phải chờ đợi thêm nhiều thời gian hoặc không được gì cả".
Nhập khẩu áp đảo
Trong khi sản lượng xe lắp ráp trong nước đang đuối dần thì các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc lại cho thấy đà tăng tốc mạnh mẽ. Biểu hiện đầu tiên là chỉ trong vòng ba năm qua, số lượng các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng đã tăng vọt. Các thương hiệu ôtô nổi tiếng thế giới lần lượt theo chân nhau có mặt tại Việt Nam. Sản lượng bán hàng tăng trưởng gần như liên tục.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong 10 tháng năm 2013, tổng sản lượng bán hàng ôtô lắp ráp đạt 69.385 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng bán hàng ôtô nguyên chiếc đạt 17.781 chiếc, tăng 25% .
Nhiều dự báo rằng, đà tăng tốc của thị trường ôtô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong vài năm tới. Đây là một mối lo thực sự đối với dòng xe lắp ráp trong nước. Bởi với mức thuế nhập khẩu 0-5% kéo theo vài loại thuế và lệ phí khác tụt xuống, giá bán của ôtô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ giảm rất mạnh so với thời điểm hiện tại. Vì vậy, đã có không ít người cam đoan rằng trên thị trường ôtô Việt Nam sau năm 2018 sẽ chủ yếu là xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Minh Châu