Xung đột Nga-Ukraine tạo điều kiện cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng tại châu Âu phát triển - Ảnh: Xe tăng KF51 Panther do Rheinmetall sản xuất được trưng bày tại triển lãm quân sự ở Villepinte, Pháp ngày 13/6. (Nguồn: Reuters) |
Trong vài thập kỷ qua, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nước phương Tây đã quyết định thu hẹp ngân sách quốc phòng và “đóng băng” hoạt động mua bán vũ khí. Điều này khiến công nghiệp quốc phòng tại châu Âu buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine đã khiến mọi thứ thay đổi.
“Bùng nổ” đơn hàng
Ông George Zhao, nhà môi giới của Ngân hàng Bernstein (Đức), cho biết: “Ngân sách quốc phòng thay đổi theo các nguy cơ địa chính trị”. Hiện mối đe dọa đó đang rõ ràng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các nước cần đẩy mạnh mua sắm vũ khí, trang thiết bị quốc phòng. Những gì đang diễn ra châu Âu là minh chứng rõ nét.
Trong năm 2022, ngân sách quốc phòng toàn cầu tăng 3,7%, đạt mức 2,200 tỷ USD. Riêng ở châu Âu, mức tăng này là 13%, cao hơn bất kỳ mọi khu vực khác. Đặc biệt, con số này tăng mạnh tại các nước gần Nga. Thay đổi lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm là Phần Lan (36%), Litva (27%), Thụy Điển (12%) và Ba Lan (11%).
Đức, nền kinh tế lớn nhất tại châu Âu, cũng đảo ngược chính sách “thắt lưng buộc bụng” về chi tiêu quốc phòng: Tháng 2/2022, ít lâu sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, chính phủ đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,4% lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Berlin cũng công bố một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro (110 tỷ USD) cho các lực lượng vũ trang.
Điều này đồng nghĩa với cơ hội cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng châu Âu, vốn đã tiếp nhận hàng tá đơn hàng trong những tháng vừa qua.
Ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu nước Đức, cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động hết công suất”. Từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, tập đoàn quốc phòng có trụ sở tại Düsseldorf đã nhận được hàng loạt đơn đặt hàng. Theo báo cáo công bố ngày 10/8 của Rheinmetall, doanh số nửa đầu năm của tập đoàn đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022 và có thể sẽ đạt 20-30% năm nay.
Vài ngày sau khi công bố báo cáo, tập đoàn này đã tiếp nhận thêm một đơn đặt hàng máy bay không người lái (UAV) từ quân đội Ukraine và ngày 18/8, Rheinmetall khánh thành một nhà máy lớn mới ở Hungary. Mới đây, Đức đồng ý để tập đoàn này tham gia bổ sung đạn dược cho lực lượng vũ trang với hợp đồng trị giá 4 tỷ Euro (4.37 tỷ Euro), cùng một thỏa thuận 1,9 tỷ Euro (2,07 tỷ USD) khác để bàn giao 3.000 phương tiện bay các loại cho nước này và Hà Lan. Giá cổ phiếu Rheinmetall đã tăng gần gấp ba lần từ đầu năm ngoái.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng châu Âu khác cũng đang “ăn nên làm ra”. Tháng 4 vừa qua, chi nhánh Anh của MBDA, nhà sản xuất tên lửa đa quốc gia tại châu Âu, đã ký thỏa thuận trị giá 1,9 tỷ Bảng Anh (2,4 tỷ USD) bán hệ thống phòng không tên lửa cho Ba Lan. Tháng 6, công ty quốc phòng Safran (Pháp) đã bán UAV chiến thuật cho Hy Lạp. Bae Systems (Anh) cũng ký thỏa thuận để bổ sung nguồn đạn pháo cho quân đội nước này.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh châu Âu tiếp tục quan ngại về tình hình an ninh thời gian tới, các đơn hàng về vũ khí sẽ ngày một nhiều. Ông Lucie Béraud-Sudreau thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), nhóm chuyên gia tư vấn chuyên về vũ khí, dự đoán: “Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng sẽ kéo dài”. Năm ngoái, Rheinmetall đã bổ sung 2.000 người vào đội ngũ 30.000 nhân viên và có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng. Saab (Thụy Điển) cũng bổ sung 1.000 người vào danh sách 18.000 nhân viên của mình.
“Đây sẽ là năm nhiều đơn hàng nhất của chúng tôi từ trước tới nay”. (Ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall, Đức) |
Không ít rào cản
Tuy nhiên, không phải tất cả đều là màu hồng đối với các nhà sản xuất vũ khí của châu Âu. Tháng 6 vừa qua, lãnh đạo của những tập đoàn này đã gặp bộ trưởng quốc phòng các nước châu Âu tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels để trao đổi về một số bất cập trong ngành này tại châu Âu.
Vấn đề đầu tiên là câu chuyện về tầm nhìn. Ông Michael Schöllhorn, người đứng đầu bộ phận quốc phòng của Airbus, gã khổng lồ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ châu Âu, phàn nàn rằng các quốc gia đưa ra rất ít hướng dẫn về kế hoạch chi tiêu dài hạn. Điều này khiến những tập đoàn công nghiệp quốc phòng khó có thể đầu tư. Trong khi đó, ông Micael Johansson, lãnh đạo Saab, than phiền rằng cho đến nay công ty của ông đã phải hứng chịu mọi rủi ro trong mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, đó là vấn đề quan liêu. Tại Đức, hợp đồng quốc phòng trị giá hơn 25 triệu Euro (27,29 triệu USD) cần được Ủy ban ngân sách của Bundestag (Quốc hội) phê duyệt, dẫn đến sự trì hoãn kéo dài. Đơn cử là tháng 2/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố quỹ quốc phòng mới song phải đến tháng 12, các nhà lập pháp mới phê duyệt gói chi tiêu trị giá 13 tỷ Euro (14,19 tỷ USD) này để mua sắm máy bay chiến đấu và khí tài khác.
Một vấn đề cuối cùng là thiếu vắng sự phối hợp giữa các đồng minh châu Âu. Nhiều chính phủ chọn mua xe tăng và các bộ phận khác trong lực lượng vũ trang từ các doanh nghiệp trong nước hoặc Mỹ. Điều này đã hạn chế khả năng đồng bộ, tính tương thích của các vũ khí, trang thiết bị, đồng thời đẩy giá thành của các sản phẩm (do sản xuất với số lượng ít) này lên cao.
Theo ông Schöllhorn, dù các nước nói về xây dựng một nền “quốc phòng châu Âu”, song thực tế lại rất khác. Ông Johansson nhận định sau nhiều năm thiếu đầu tư, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng châu Âu cần hợp tác cùng nhau để giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Lãnh đạo tập đoàn công nghiệp quốc phòng châu Âu gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng NATO để nêu kiến nghị liên quan tới sản xuất vũ khí, trang thiết bị. (Nguồn: NATO) |
Song qua thời gian, những khó khăn này có thể sẽ giảm bớt. Các chính phủ châu Âu đang nỗ lực vượt qua khác biệt nội bộ trong mua sắm thiết bị quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đang phối hợp chặt chẽ với Chuẩn tướng Christian Freuding của Các lực lượng vũ trang Đức để thúc đẩy các hợp đồng quốc phòng. Tại Pháp, ông Sébastien Lecornu đang làm điều tương tự.
Sự phối hợp giữa các nước cũng đang cải thiện. Tháng 11/2022, Pháp, Tây Ban Nha và Đức cuối cùng đã đạt thỏa thuận chế tạo máy bay chiến đấu chung. Ngoài ra, việc các tập đoàn quốc phòng ở châu Âu này sáp nhập vào nhau cũng có thể tăng tính đồng bộ. Ngày 1/8 vừa qua, Rheinmetall đã hoàn tất thương vụ mua lại Expal, nhà sản xuất đạn dược của Tây Ban Nha. Ông Johansson cho rằng trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tại châu Âu, tạo điều kiện cho nền công nghiệp quốc phòng châu Âu tiếp tục “hồi sinh” thời gian tới.