(Ảnh minh họa) |
Sự kiệt quệ tài chính toàn cầu khiến chi phí dự án thấp hơn, thị trường đi xuống và khả năng thanh khoản sẵn có trong nước, tạo cơ hội cho vùng Vịnh tăng cường hướng phát triển công nghiệp hoá đầy tham vọng, vốn được khởi động từ cách đây vài năm, nhằm giảm sự phụ thuộc vào giá dầu lửa luôn biến động thất thường.
Kim ngạch xuất khẩu phi dầu lửa của 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đạt đỉnh 24,18 tỷ USD năm 2008, song tăng trưởng thấp hơn nhiều so với những năm trước. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt 25% từ mức gần 12,8 tỷ USD năm 2004, nhưng tốc độ tăng trưởng đã lại giảm xuống khoảng 8% vào năm 2008.
Theo EIB, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đã giảm sâu hơn sau khi doanh thu của các tập đoàn công nghiệp khổng lồ như SABIC của Arabia Saudi bị sụt giảm mạnh. Bất chấp tác động xấu của cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với khu vực công nghiệp vùng Vịnh, khả năng thanh khoản lớn của các chính phủ trong khu vực vào các thị trường địa phương đã bù đắp một phần tác động đó. Nhiều dự án bị trì hoãn đã được tái khởi động, sự suy giảm chi phí dự án theo sau cuộc khủng hoảng và giá dầu được cải thiện. Những nhân tố này tạo môi trường thích hợp để mở rộng ngành công nghiệp trong khu vực. Các nước vùng Vịnh có thể tranh thủ những diễn biến này và thành lập thêm các dự án sản xuất, góp phần đa dạng hoá các nền kinh tế khu vực. Họ cũng có thể tìm kiếm thêm các cơ hội mua nhà máy trong khu vực công nghiệp ở các nước phương Tây, như đã làm trong khu vực bất động sản.
Theo Tổ chức tham vấn chính sách công nghiệp vùng Vịnh (GOIC), tính tới cuối năm 2009, các nước Vùng Vịnh đã bơm gần 180,4 tỷ USD vào khu vực công nghiệp, trong đó riêng năm 2009 khoảng 30 tỷ USD. Thống kê khu vực cho thấy, các sản phẩm hoá dầu nhận được phần đầu tư lớn nhất về vốn công nghiệp của GCC, chiếm khoảng 55,9% vào cuối năm 2009, với mức đầu tư ước tính khoảng 100 tỉ USD. Nhôm và những kim loại khác hưởng lợi lớn thứ hai, nhận được khoảng 12,8% tổng số vốn đầu tư. Những khu vực đầu tư chủ chốt khác gồm ximăng và các vật liệu xây dựng khác có tổng mức đầu tư khoảng 20,7 tỷ USD vào cuối năm 2009. Các số liệu của GOIC cho thấy tổng số dự án sản xuất ở GCC đã tăng khoảng 5,6% lên 13.006 đơn vị vào cuối năm 2009, trong khi số nhân công tăng 6,2% lên trên 1 triệu người.
Cúc Nhi