📞

Công phu võ Việt ở Ba Lan

15:24 | 03/04/2014
Đối với giới võ thuật Ba Lan, ông Nguyễn Ngọc Nội – chủ nhiệm, võ sư trưởng võ đường Vĩnh Xuân Nội gia quyền rất được ngưỡng mộ. Nhiều nhánh Vĩnh Xuân ở nước này đã tìm đến ông trao đổi hay xin được theo học…
Ông Nguyễn Ngọc Nội (thứ tư từ trái) tại Đại hội Karate Tsunami toàn Ba Lan, ngày 15/3.

Ngày 24/10/2010, Quốc ca Việt Nam đã vang lên hùng tráng trong Đại hội võ thuật toàn Ba Lan do Liên đoàn Võ thuật và Thể thao chiến đấu châu Á tại Ba Lan tổ chức. Lần đầu tiên, một người Việt Nam được trao danh hiệu Chủ tịch – Trưởng tộc của Liên đoàn và ông Nguyễn Ngọc Nội là võ sư thứ tư được nhận danh hiệu cao quý này.

Ngày 15/3 vừa qua, tiếng Quốc ca đó lần nữa được vang lên trong Đại hội Karate Tsunami toàn Ba Lan lần thứ chín của Liên đoàn, trước sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam Phạm Kiến Thiết và Phu nhân...

Cơ duyên với Ba Lan

Đó là năm 2007. Ông Nguyễn Ngọc Nội dẫn đầu đoàn đại diện võ đường Vĩnh Xuân Nội gia quyền sang Ba Lan theo lời mời của ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội người Việt, Chủ tịch Hội Văn hóa Thể thao người Việt tại Ba Lan và võ sư – thạc sỹ Ryszard Murat, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật và Thể thao chiến đấu châu Á tại Ba Lan. Đoàn đã gây được ấn tượng rất mạnh sau nhiều cuộc trao đổi và biểu diễn, nhất là khi tham gia Festival võ thuật toàn Ba Lan.

“Không chỉ đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, sự hiện diện của Vĩnh Xuân Nội gia ở ba lan trong chưa đầy 10 năm còn thắt chặt quan hệ giữa cộng đồng người Việt với nhau cũng như với người dân và chính quyền nước sở tại”. (Nguyễn Hoằng, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan 2010-2013)

Rất nhiều người đã ghi danh theo học Vĩnh Xuân Nội gia. Võ sư bảy DAN Jaroslaw Duczmalewski của Liên đoàn không những đến tập mà còn dẫn thêm học trò tập cùng.

Ông Ryard Murat đánh giá rất cao trình độ võ thuật và công phu của Vĩnh Xuân Nội gia quyền, coi đó là “môn võ công đặc dị” và bày tỏ sự mong muốn võ đường gia nhập Liên đoàn, qua đó phát triển môn Vĩnh Xuân Nội gia trên đất Ba Lan.

Ban chấp hành Liên đoàn đã trao cấp bậc 10 DAN cho võ sư Nguyễn Ngọc Nội. Đây là cấp bậc cao nhất trong Liên đoàn và toàn Liên đoàn lúc bấy giờ mới có năm võ sư có cấp bậc này. Đồng thời, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Liên doàn.

Để khẳng định quyết tâm đem môn Vĩnh Xuân Nội gia phát triển ở Ba Lan và cũng theo nguyện vọng của anh chị em đang tập luyện, ông Nội đã thành lập võ đường Đại Nghĩa – Vĩnh Xuân Nội gia tại Warsaw với Trưởng Ban điều hành là ông Trương Anh Tuấn, võ sinh “kiêm” phiên dịch tiếng Ba Lan.

Nỗ lực không mệt mỏi

Cũng trong chuyến đi đó, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan lúc này là ông Nguyễn Văn Xương đã động viên và mong muốn võ sư Nội sẽ làm được nhiều việc tốt hơn cho cộng đồng người Việt cũng như để bạn bè Ba Lan hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. “Sự quan tâm của Đại sứ đã thực sự động viên và khích lệ chúng tôi phấn đấu làm điều hữu ích cho cộng đồng”, ông Nội tâm sự.

Từ đó, ông đã thực hiện hơn 10 chuyến đi về giữa Việt Nam và Ba Lan. Như con tằm nhả tơ, ông từng bước xây dựng sự hiện diện của Vĩnh Xuân Nội gia trên quê hương của thiên tài âm nhạc Fréderic Chopin. Võ đường Đại Nghĩa lúc đông lúc ít, cả người Việt lẫn người “Tây”, trung bình có khoảng 40 người, môn sinh cao tuổi nhất là xấp xỉ 60 còn thành viên “nhí” nhất là 8-10 tuổi.

Không chỉ tập luyện, các môn sinh còn tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam cùng các hội đoàn của người Việt tổ chức. Tháng 2 vừa qua, võ đường Đại Nghĩa – Vĩnh Xuân Nội gia đã biểu diễn tại Ngày hội văn hóa Việt Nam tại Ba Lan.

Lãnh đạo Liên đoàn Võ thuật và Thể thao chiến đấu châu Á đã trao tặng bảng vàng cho võ sư Nội. Đại hội Karate Tsunami toàn Ba Lan cũng trao nhiều bằng khen cho thầy trò Vĩnh Xuân Nội gia. Ông Nội và võ sư Trương Anh Tuấn nằm trong số ít người được Hội cựu chiến binh Virtuti Militari Ba Lan trao tặng Huân chương hữu nghị.

Nỗ lực đem võ thuật “đi đấm xứ người” của võ sư Nội dù sao vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Ngoài việc xây dựng trang web bằng ba thứ tiếng (Việt, Anh và Ba Lan), ông đã ấn hành bảy đầu sách về công phu cũng như sự phát triển của Vĩnh Xuân Nội gia. Trong tháng 4 này, bên cạnh việc tiếp tục truyền dạy, ông đang có kế hoạch mở chi nhánh mới ở ngoài Thủ đô Warsaw và trong tương lai có thể là một chi nhánh tại Pháp.

Đối với võ sư có hơn 40 năm gắn bó với võ thuật này, hạnh phúc là “được làm những gì mà mình yêu thích” và “hạnh phúc hơn khi chứng kiến các học trò ngày càng trưởng thành”. Có lẽ vì thế, những mảnh đất mới sẽ tiếp tục in dấu chân ông trên hành trình mang Vĩnh Xuân Nội gia ra nước ngoài…

“Trong việc quảng bá võ thuật ra nước ngoài, Người Trung Quốc đã làm được với thương hiệu Thiếu Lâm, người Việt cũng có thể làm được nếu có chính sách và đầu tư thích đáng của Nhà nước và Liên đoàn võ thuật, bên cạnh tâm huyết của các võ sư”. (Đỗ Hữu Lộc, môn sinh Vĩnh Xuân Nội gia, hiện đang làm việc tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội)

Vĩnh Xuân là môn võ cổ truyền đã có lịch sử trên 300 năm. Sư tổ của môn phái này ở Việt Nam là Nguyễn Tế Công. Võ sư Nguyễn Ngọc Nội là học trò cuối cùng của cố võ sư Trần Thúc Tiển - một học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công.

Hạnh Diễm