Nửa đầu năm 2016, tình hình trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung tiếp tục ổn định, an ninh - trật tự an toàn khu vực biên giới được bảo đảm, các hoạt động hợp tác xuyên biên giới không ngừng được mở rộng và tăng cường. Tháng 3/2016, Bộ Quốc phòng hai nước đã tiến hành giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt- Trung lần thứ 3. Tiếp đó, tháng 5/2016, hai nước đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại Nam Ninh (Trung Quốc).
Biên giới trên đất liền: hoạch định rõ ràng, tăng cường hợp tác
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hợp tác, phối hợp, giao lưu giữa các lực lượng chức năng quản lý biên giới cả ở cấp Trung ương cũng như cấp địa phương biên giới giữa hai nước cũng đã được tổ chức như: việc tuần tra song phương, trao đổi thông tin và hợp tác phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith tại cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị, Việt Nam - Salavan, Lào) ngày 25/6/2014. |
Một điểm nhấn khác là việc ngày 16/6/2016, Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân ký tháng 11/2015 giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực. Hai Hiệp định này, cùng với 3 văn kiện về quản lý biên giới là cơ sở pháp lý quan trọng và vững chắc để quản lý và bảo vệ đường biên giới cũng như thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại và du lịch biên giới.
Có thể nói, cùng với việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2008 và chính thức quản lý đường biên giới theo các văn kiện pháp lý mới từ năm 2010, các hoạt động biên giới song phương diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả. Các địa phương hai bên biên giới thường xuyên có các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, văn hóa, an ninh-chính trị..., qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước, đặc biệt là giữa các địa phương hai bên đường biên giới.
Về tuyến biên giới Việt Nam - Lào, ngày 16/3/2016, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Lào đã tổ chức Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Tại Lễ tổng kết, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisoulith đã ký Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào.
Việc hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới VN- Lào, đã góp phần hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước. Từ nay, giữa hai nước đã có một đường biên giới hết sức rõ ràng được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa…
Ngày 2/3/2016, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, ký các Phụ lục đính kèm “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào”. |
Đồng thời, ngày 20/6/2016, tại Đà Nẵng, hai bên đã tổ chức Cuộc họp lần thứ XXV Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào. Trong đó, hai bên không chỉ kiểm điểm, đánh giá toàn diện công tác quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch biên giới, việc thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới kể từ Hội nghị lần thứ XXIV mà còn đề xuất các biện pháp hợp tác nhằm góp phần tạo dựng đường biên giới chung Việt - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, trong thời gian qua, hai bên tích cực thúc đẩy việc tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình phân giới cắm mốc trên thực địa, tổ chức các cuộc họp và khảo sát cấp chuyên viên nhằm mục tiêu hoàn thành sớm công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước.
Cho đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc trên thực địa. Hai bên đã phân giới được khoảng 928,9km và quy thuộc 111 cồn bãi trên sông suối biên giới; xây dựng được 310/371 cột mốc chính, bổ sung 1068/1524 cột mốc phụ, 210/210 cọc dấu trên bản đồ. Tính đến ngày 15/7/2016, hai bên đã xác định được 278 cột mốc phụ, 25 cọc dấu và xây dựng được 3 cột mốc phụ trên thực địa. Hai bên cũng duy trì sự phối hợp, hợp tác trong công tác quản lý biên giới, cửa khẩu theo đúng Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và tinh thần Thông cáo báo chí chung năm 1995.
Công tác biển, đảo: kiên quyết và có lý, có tình
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, có tác động không nhỏ đến chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông như việc tiến hành bay thử nghiệm ở các sân bay xây dựng trái phép ở Trường Sa, tổ chức du lịch ở Hoàng Sa, đưa vào vận hành đèn biển ở Trường Sa…
Tuy nhiên, ta đã kịp thời đấu tranh kiên quyết có lý, có tình bằng nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ, trước các vi phạm đối với chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong 6 tháng vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam đã có 4 cuộc gặp, đàm phán song phương với Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề trên biển.
Cán bộ Ủy ban Biên giới Quốc gia và Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khánh thành cột mốc 275 trên biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia ngày 26/12/2015. |
Chúng ta cũng đã đề cập thẳng thắn, mang tính xây dựng về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực và quốc tế để các nước hiểu rõ hơn lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982. Lập trường và chính nghĩa của chúng ta đã được nhiều nước ủng hộ.
Các hoạt động quản lý biển đảo, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của ta được triển khai thường xuyên, sâu sát. Các lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quân, Kiểm ngư của ta tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp, kết hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động nghề cá. Ta cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng.
Trong bối cảnh nhiều nước tăng cường hoạt động chấp pháp, số lượng ngư dân của chúng ta bị bắt gia tăng, hoạt động bảo hộ ngư dân đã được tăng cường. Chúng ta đã can thiệp kịp thời, nhằm hỗ trợ đến mức cao nhất cho các ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, đảm bảo ngư dân của chúng ta được đối xử nhân đạo, phù hợp với pháp luật quốc tế. Hoạt động bảo hộ, hỗ trợ ngư dân ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, quyền lợi của ngư dân ta được đảm bảo ở mức cao.
Tiếp tục nhất quán, đồng lòng
So với năm 2015, tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông có phần phức tạp hơn. Nguyên nhân là do các hoạt động đơn phương, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, việc tăng cường quân sự hóa, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định ở khu vực. Bên cạnh đó, việc Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra Phán quyết ngày 12/7/2016 cũng có tác động đáng kể đến tình hình khu vực.
Trong bối cảnh đó, công tác biên giới, biển đảo trong thời gian tới sẽ còn đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công tác biên giới, lãnh thổ, biển đảo cũng có nhiều thuận lợi. Đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với công tác biên giới, lãnh thổ với chủ trương nhất quán về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Đó còn là sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong và ngoài nước đối với sự nghiệp bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ của Đảng và Nhà nước ta, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Cùng với đó là sự phối hợp nhuần nhuyễn, thống nhất cao của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong việc triển khai các công tác biên giới lãnh thổ, biển đảo.
Đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và thúc đẩy hợp tác để tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển là trọng tâm công tác biên giới lãnh thổ trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo, kiên trì và kiên quyết của các cơ quan, đơn vị không chỉ của Bộ Ngoại giao mà còn của các Bộ, ngành liên quan, qua đó phát huy sức mạnh tổng thể trong sự nghiệp vừa vẻ vang, vừa đầy thách thức này.