Hội nghị trực tuyến và Lễ ký kết Chương trình Hợp tác giai đoạn 2021 tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tại điểm cầu Hà Giang. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang) |
Điểm nhấn ngoại giao kinh tế
Trong năm 2021, công tác đối ngoại của tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành, Ủy ban Nhân dân (UBND) các huyện, thành phố Hà Giang chủ động, linh hoạt chuyển đổi các hình thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, qua đó duy trì kết nối và đẩy mạnh phối hợp quản lý, đảm bảo an ninh trật tự trên khu vực biên giới.
Tỉnh đã linh động tiến hành công tác vận động, viện trợ các nguồn ngoại lực; nâng cao hiệu quả thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các địa phương phía Trung Quốc, các đối tác, tổ chức quốc tế, địa phương nước ngoài;... theo lộ trình Chiến lược hội nhập quốc tế, Đề án nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương phía Trung Quốc.
Hà Giang cũng xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình, theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh, kịp thời thăm hỏi, phối hợp hỗ trợ các thiết bị vật tư, y tế với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc cũng như đẩy mạnh công tác kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài chung tay, phối hợp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi phương thức tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao ban làm việc với các đối tác, địa phương nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến.
Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang và cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ trì, tổ chức 5 hội nghị, hội đàm trực tuyến với các địa phương, cơ quan đối đẳng phía Trung Quốc và địa phương nước ngoài (tăng 3 hội nghị so với cùng kỳ năm 2020); tham dự 9 hội nghị trực tuyến, tăng 6 hội nghị so với cùng kỳ năm 2020).
Công tác ngoại giao kinh tế được tích cực triển khai. Các hoạt động triển lãm hàng hóa, xúc tiến đầu tư kinh tế với tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), các nước trong khu vực và trên thế giới đều chuyển sang các hình thức trực tuyến.
Các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan đối đẳng phía Trung Quốc để trao đổi thông tin, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tham mưu phương án giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời cảnh báo sớm về các diễn biến điều hành của phía Trung Quốc đối với hoạt động điều tiết, quản lý tại cửa khẩu.
Những biện pháp cụ thể đó đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng hóa của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được thông quan nhanh chóng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chủ động phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho các đối tác, địa phương nước ngoài có nhu cầu đầu tư tại tỉnh.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới thuộc địa bàn Hà Giang đều dừng hoạt động và tập trung về cửa khẩu Thanh Thủy - Thiên Bảo, tuy nhiên có khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2021 dự kiến đạt 180,1 triệu USD (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 - 174,8 triệu USD).
Thu hút đầu tư, vận động viện trợ
Thời gian qua,Hà Giang cũng tích cực thu hút, quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,61 triệu USD (tương đương 202,492 tỷ Đồng).
Trong đó: 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh và có doanh thu, 3 dự án tạm dừng hoạt động; 2 dự án không bỏ vốn sản xuất kinh doanh, chỉ thực hiện công tác hành chính, không có doanh thu, chủ dự án đã về nước (không có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2020).
Với sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt đổi mới về phương thức hoạt động, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đạt được nhiều kết quả tích cực, khả quan.
Tính đến nay, tỉnh tiếp nhận và tiếp tục triển khai 61 chương trình, dự án trong đó có 27 chương trình, dự án, khoản viện trợ ký cam kết tài trợ mới là 9.133.488 USD (tương đương 210 tỷ Đồng) giá trị tăng 3 lần so với năm 2020; giá trị cam kết tài trợ năm 2021 là 6.457.373 USD (tương đương 148,5 tỷ Đồng), giải ngân thực hiện năm 2021 đạt 4.537.635 USD (tương đương 104,4 tỷ Đồng), tăng 1,9 lần so với năm 2020.
Tỉnh Hà Giang tiếp nhận 7 khoản viện trợ không hoàn lại nước ngoài hỗ trợ trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 từ các đối tác, địa phương Trung Quốc trị giá 40,912 tỷ Đồng.
Giữ vững đường biên, mốc giới
Trong năm 2021, hệ thống đường biên, mốc giới với phía Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn được giữ vững, tình hình an ninh, trật tự trên khu vực biên giới ổn định.
Tỉnh tiếp tục duy trì 68 chốt cố định và 17 tổ cơ động kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, đặc biệt là truy quét, bắt giữ các đối tượng tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Các lực lượng chức năng của Hà Giang và phía đối đẳng Trung Quốc tạm thời dừng các hoạt động hội đàm định kỳ, tuần tra song phương theo cơ chế đã ký kết. Thay vào đó, hai bên tăng cường công tác thông tin thông qua trao đổi điện đàm, hàm thư để phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến biên giới, lãnh thổ.
Năm 2021, đã xảy ra 6 vụ vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới thuộc địa bàn các huyện Xín Mần, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc; 570 vụ với 2.186 đối trượng vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới. Các vụ việc đã được cơ quan chức năng hai bên phối hợp giải quyết theo quy định.
Đối ngoại của tỉnh Hà Giang năm 2021: Thích ứng linh hoạt trong đại dịch, duy trì và thúc đẩy kết nối |
Việc triển khai thực hiện các văn kiện về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa bàn biên giới của tỉnh Hà Giang được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật và tuân thủ các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Công tác lãnh sự và bảo hộ công dân của tỉnh thời gian qua cũng được đảm bảo. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch, áp dụng khai báo y tế và giám sát, kiểm tra chặt chẽ 100% người xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Nguyên nhân của số lượng người xuất nhập cảnh giảm đáng kể là do phía Trung Quốc áp dụng biện pháp đi xe chung (phân đoạn vận tải), chỉ có phương tiện được trao đổi, tiếp nhận qua lại giữa hai bên, còn lái xe và hành khách không thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện
Thời gian qua, công tác đối ngoại của tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, cơ quan Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương về nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới.
Việc chủ động tiếp cận, vận dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động đối ngoại của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã giúp duy trì và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị với các địa phương phía Trung Quốc, địa phương nước ngoài.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc thông qua 6 giải pháp:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả, linh hoạt Đề án nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc gắn với thúc đẩy thực hiện các nội dung hợp tác đã ký kết giữa hai bên.
Thứ hai, tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình thay đổi, điều chỉnh chính sách đầu tư, hợp tác, kinh tế biên mậu của chính quyền các địa phương phía Trung Quốc; kịp thời đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, đầu tư, hợp tác.
Thứ ba, tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa các cấp, các ngành hai bên đã thiết lập, đảm bảo việc kết nối, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn và duy trì hợp tác giữa hai bên.
Thứ tư, triển khai Kế hoạch triển khai kết nghĩa hữu nghị giữa các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc, giai đoạn 2021-2025.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện hợp tác với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong đó chú trọng định hướng các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo mà địa phương còn thiếu và yếu.
Thứ sáu, khôi phục và triển khai Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới đã ký với các địa phương Trung Quốc, qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm thiểu và hạn chế tình trạng xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc.
| 10 tỉnh, thành nào có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp nhất cả nước? Các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp nhất (số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo quyết định) là Trà Vinh, An ... |
| Việt Nam tiêm chủng vượt 80 triệu mũi vaccine Covid-19, nhiều tỉnh thành ghi nhận thêm F0 Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 đến 14h30 ngày 30/10 cả nước đã tiêm 80,659,184 mũi vaccine; Quảng Bình, Bến Tre, ... |