📞

Công tác kiều bào: Làm liên tục, làm mãi và làm tốt hơn!

07:00 | 30/01/2017
Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2016  - một năm đầy sôi nổi của hoạt động kiều bào sẽ là tiền đề cho những thành công mới cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.

Năm 2016 - một năm được coi là ghi nhiều dấu ấn quan trọng của công tác kiều bào. Xin Thứ trưởng đánh giá những thành tựu nổi bật nhất trong năm qua?

Năm 2016 là năm rất đặc biệt đối với đời sống chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước, cũng là năm tổ chức thành công Đại hội Đảng XII mở ra những hướng phát triển kinh tế, những chiến lược phát triển đất nước. Cương lĩnh của Đại hội Đảng XII cũng đề ra những nhiệm vụ to lớn để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tiền đề rất căn bản là chỉ thị 45 của Bộ Chính trị cùng những hành lang pháp lý rất rõ nét cho việc phát triển những công tác liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Vì thế, công tác kiều bào năm 2016  rất sôi nổi trên mọi lĩnh vực.

Trước hết, về công tác hội/đoàn, năm 2016, chúng ta đã thành lập được Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, hay lần đầu tiên có Hội những người Việt Nam sinh sống ở Macao...  Đây là nơi bà con tụ họp giúp đỡ nhau cùng phát triển. Điều tôi thấy mừng và đi đến đâu cũng thấy bà con phấn khởi, hỗ trợ lẫn nhau từ công việc làm ăn, đến động viên con cháu học tiếng Việt.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam chụp ảnh cùng các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài (Ảnh: Phạm Thuận)

Một nét nổi bật của năm qua là phong trào dạy và học tiếng Việt của chúng ta đã “nở hoa” rộng khắp từ phía Nam bán cầu như Angola, các nước phía Bắc xa xôi như Canada đến các nước châu Âu như Na Uy và những nước còn khó khăn như Campuchia, Lào, Thái Lan... Phải nói rằng, đây là dấu ấn rất lớn, tiến tới phổ cập tiếng Việt cho tất cả những người có dòng máu Việt đang sinh sống ở khắp thế giới.

Đáng chú ý, năm 2016, chúng ta đã rất thành công khi tổ chức được Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới với hầu hết số thành viên kiều bào tham gia là các chuyên gia khoa học, nhà kinh tế và trí thức có uy tín. Những ý kiến đóng góp của họ hướng tới mục tiêu cụ thể là đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố phát triển năng động và hội nhập quốc tế.

Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới diễn ra tháng 11/2016 đã thu hút được sự tham gia của hơn 500 đại biểu kiều bào – số lượng tham gia lớn nhất từ trước đến nay. Theo Thứ trưởng, những ý tưởng và tâm huyết của kiều bào đã được lắng nghe và áp dụng vào thực tiễn ra sao?

Qua Hội nghị vừa rồi, tôi nhận thấy rõ, các kiều bào rất muốn làm điều gì đó cho đất nước. Họ đều nói: chúng tôi có kiến thức, chúng tôi có tri thức, chúng tôi nắm bắt được khoa học công nghệ ở các nước tiên tiến và rất muốn mang về cho đất nước. Sau hơn một tháng kể từ Hội nghị, tôi biết rằng có rất nhiều ý tưởng đã được triển khai, ví dụ như những hệ thống đồng hồ thông minh quản lý hệ thống nước sạch, hay việc xây dựng thành phố theo hướng thành phố thông minh, ý tưởng biến thành phố trở thành trung tâm tài chính...

Rõ ràng, khi chúng ta có diễn đàn để kết nối ý tưởng thì đây là vườn ươm cho những hành động cụ thể. Tuy nhiên, để những ý tưởng này được đưa vào thực tiễn, chúng ta cần phải có những chính sách tốt hơn cho bà con. Một điều quan trọng nữa là môi trường khoa học công nghệ trong nước cần phải được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trí thức về đóng góp. Vấn đề này TP. Hồ Chí Minh cũng đã thấy rõ và ngay hiện tại, Thành phố có rất nhiều trung tâm khoa học do người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các trường đại học trong nước thành lập. Vì vậy, chúng ta phải tổ chức nhiều hơn những hội nghị như vậy để kết nối giữa ý nguyện của bà con với nhu cầu trong nước.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói về những giải pháp để phát huy hiệu quả nguồn chất xám của trí thức kiều bào. Vậy theo Thứ trưởng, hiện tại, chúng ta cần làm gì để thành công hơn?

Trước khi nói đến việc cần làm gì, phải nói đến niềm tự hào không chỉ riêng tôi mà của bất kỳ người Việt Nam nào khi ra nước ngoài. Đó là khi gặp gỡ bạn bè quốc tế, họ đều kể về sự đóng góp của người Việt vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nước họ. Họ kể văn hóa ẩm thực của người Việt Nam nổi tiếng như thế nào, những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đặc sắc ra sao và biểu dương sự chăm chỉ, cần cù của người Việt Nam...

Chúng ta thấy rằng nhiệm vụ của chúng ta rất lớn, với khoảng 4,5 triệu kiều bào sống trải dài trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiệm vụ đó rất quan trọng. Mỗi quốc gia, lãnh thổ có đặc thù riêng nên chúng ta không thể  áp dụng một công thức chung. Như vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu đặc tính của cộng đồng, từ đó mới hiểu được nhu cầu của cộng đồng ấy: nhu cầu về văn hóa, nhu cầu về phát triển tiếng Việt, nhu cầu tại quê hương... Chúng ta làm thế nào để những tâm nguyện đóng góp sức mình xây dựng đất nước phải trở thành hiện thực.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác người Việt Nam còn gặp khó khăn và tồn tại gì, thưa Thứ trưởng?

Phải khẳng định những năm qua, công tác với người Việt Nam ở nước ngoài đã thành công ở nhiều mặt. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn rõ những tồn tại mới có thể hoàn thiện. Tôi cho rằng, tồn tại có sức ỳ và cản trở lớn nhất là nhận thức. Mặc dù chúng ta đã triển khai rất tốt Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, nhưng một số bộ phận, nhất là các địa phương, địa phương vùng xa xôi rồi những bộ/ban/ngành cấp dưới vẫn chưa nhận thức hết và chưa thực sự nhiệt tâm hỗ trợ bà con...

Đối với công tác vận động, đúng là phải đi ra nước ngoài mới thấy còn nhiều vấn đề mà bà con chưa hiểu hết về đất nước. Tôi gặp rất nhiều bà con ở một số địa bàn, có người 40 năm chưa về thăm đất nước, họ nói đến những thứ xảy ra cách đây khoảng 40 năm... Vậy làm sao thông tin hiện tại của đất nước chúng ta tới được với bà con? 

Việc cuối cùng rất quan trọng là phải làm xuyên suốt việc duy trì tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào. Nếu chúng ta làm cho họ nói được tiếng Việt, dù ít dù nhiều tự trong trái tim họ vẫn thấy được mình là người Việt. Còn nếu họ chỉ nói những thứ tiếng khác ngoài tiếng Việt, khi con họ lớn lên sẽ không nhận là người Việt Nam. Thế nên, việc này chúng ta sẽ phải làm liên tục, làm mãi và làm tốt hơn!

Bước sang năm 2017, Thứ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới bà con Việt Nam ở nước ngoài?

Năm Đinh Dậu là năm chúng ta tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và có một sự kiện rất lớn là APEC 2017 tại Việt Nam. Tôi mong rằng bà con tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống con Lạc cháu Rồng, tiếp tục xây dựng hình ảnh uy tín của cộng đồng cũng như tạo dựng vị thế người Việt trong trái tim người dân trên toàn thế giới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!