TIN LIÊN QUAN | |
Trường Sa không xa | |
Bảo hộ công dân: Chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả |
Gìn giữ giá trị truyền thống
Tại Đức hiện có khoảng 170.000 người Việt sinh sống, vì vậy, công tác kiều bào luôn được Đại sứ quán quan tâm. Đặc biệt, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho biết, việc gìn giữ những giá trị truyền thống của quê hương, đất nước luôn được Đại sứ quán và kiều bào chú trọng, đẩy mạnh. Theo đó, từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2018, đã có 3 cuộc triển lãm mang tên “Báu vật khảo cổ Việt Nam” diễn ra tại Đức. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức. Diễn ra tại các địa điểm nổi tiếng của Đức, Triển lãm đã thu hút rất nhiều lượt khách quốc tế và người dân địa phương đến tham quan.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng bên lề Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia, thông qua đó giúp bạn bè hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhắc đến tình yêu đất nước, hướng về biển đảo quê hương. Theo Đại sứ, hàng năm, Đại sứ quán đều cử đoàn đại diện kiều bào về thăm Trường Sa theo chương trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng các cơ quan trong nước; tổ chức các hội thảo, buổi giới thiệu về biển đảo quê hương, về tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam. Đại sứ cho biết các kiều bào ở Đức thăm Trường Sa trở về đều cảm thấy thêm tự hào và yêu quê hương hơn. Họ trở thành diễn giả chia sẻ với bà con người Việt, những người bạn Đức về tình yêu quê hương, biển đảo đất nước.
Tại Đức, cộng đồng người Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Trường Sa gồm những người từng đi Trường Sa nhằm phổ biến rộng rãi cho bà con thông tin về biển đảo quê hương, thông qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của kiều bào, cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức hỗ trợ rất tích cực Câu lạc bộ Trường Sa, đồng thời cũng có kế hoạch trong công tác vận động tham gia tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, nếu có điều kiện đóng góp một phần nhỏ kinh phí nhằm động viên các chiến sỹ Trường Sa.
Để thế hệ trẻ không quên bản sắc
Chia sẻ về cộng đồng người Việt tại Áo, Đại sứ Lê Dũng cho biết, bà con kiều bào rất yêu nước và hưởng ứng đông đảo bất cứ hoạt động gì trong nước phát động. Bà con cũng rất có ý thức với công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đại sứ Việt Nam tại Áo Lê Dũng trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Theo Đại sứ Lê Dũng, việc gìn giữ văn hóa Việt Nam tại Áo được triển khai theo nhiều hướng. Đại sứ quán đã phối hợp với Hội phụ nữ cũng như tổ chức cho các cháu thiếu nhi thường xuyên tập luyện và biểu diễn một số tiết mục nhân các dịp Lễ Tết. Nhân viên Đại sứ quán cũng tham gia các hoạt động này, cùng với bà con hát các bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Bên cạnh đó, giữ gìn bản sắc tiếng Việt cho các cháu nhỏ cũng là một trong những trọng tâm.
Đại sứ quán đã phối hợp với Hội phụ nữ mở một lớp dạy tiếng Việt cho các cháu 2 buổi/tuần. Cộng đồng tại Áo rất đông, song hiện mới có một lớp, do đó, ông Lê Dũng cho rằng cũng cần có thêm một nguồn kinh phí để phát triển hoạt động này.
Có nhiều điểm đồng trong quan điểm với Đại sứ Lê Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng cũng nhấn mạnh việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng ta ở Ba Lan là một trong những điểm nổi bật. Chính vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn cổ vũ, đồng hành tất cả các hoạt động của cộng đồng nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc của người Việt Nam đang sinh sống làm ăn tại Ba Lan, đặc biệt là việc duy trì, nuôi dưỡng giá trị này với các thế hệ trẻ lớp thứ 2, thứ 3 tại Ba Lan.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Vũ Đăng Dũng. |
Đại sứ Vũ Đăng Dũng cho rằng, để duy trì được giá trị văn hóa của Việt Nam tại cộng đồng, một trong những công cụ quan trọng là việc giảng dạy và học tập tiếng Việt. Đại sứ quán luôn ủng hộ phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt của thế hệ trẻ, nhất là thế hệ thứ 2, 3. Tại thủ đô Varsava của Ba Lan, cộng đồng người Việt tại đây đã thành lập một trường dạy tiếng Việt để duy trì và phát triển ngôn ngữ Việt cho thế hệ trẻ người Việt.
Ông Vũ Đăng Dũng cho biết, hàng năm, cộng đồng người Việt tại Ba Lan tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều hình thức khác nhau để thể hiện sức mạnh của cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan. Tại Ba Lan có rất nhiều hội đoàn người Việt. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, những hội đoàn này cần có các biện pháp củng cố tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng hơn nữa các nhu cầu thiết thực, lợi ích chính đáng của cộng đồng Việt Nam tại đây.
Hiện nay, lãnh đạo của các hội đoàn đều là những thế hệ cao tuổi. Do đó, Đại sứ Vũ Đăng Dũng nhận định, thách thức lớn hiện nay là việc đưa lớp trẻ người Việt tham gia vào các hội đoàn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ sắp tới của cộng đồng người Việt Nam cũng như cơ quan đại diện là phải huy động được sự tham gia của thế hệ trẻ vào các tổ chức, hội đoàn tại Ba Lan. Nếu làm được việc này, sức mạnh của cộng đồng Việt thông qua các hội đoàn sẽ ngày càng gia tăng, góp phần đáng kể vào việc duy trì và phát triển bản sắc Việt ở Ba Lan.
Thu hút nguồn lực
Nêu ý kiến về công tác thu hút, phát huy nguồn lực của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Lương Thanh Nghị cho biết, tại Hội nghị Việt kiều toàn thế giới tổ chức năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của khoảng 500 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, kiều bào ta đã đưa ra khoảng 50 đề xuất, kiến nghị liên quan tới rất nhiều vấn đề cụ thể, phục vụ cho phát triển của Việt Nam nói chung, của TP. Hồ Chí Minh, cũng như các địa phương khác nói riêng. Hiện nay, một số đề xuất trong đó đã được triển khai như: Đề án về thành phố thông minh của TP. Hồ Chí Minh, các vấn đề rất thiết thực liên quan đến nạn kẹt xe, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp…, và đã có một số dự án rất thành công.
Ông Lương Thanh Nghị trả lời phỏng vấn báo chí. (Nguồn: Hà Nội Mới) |
Cùng với đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tranh thủ sự đóng góp của các trí thức khoa học trẻ Việt Nam từ các tổ chức như: Hội chuyên gia khoa học Việt Nam toàn cầu, Nhóm sáng kiến Việt Nam ở Mỹ, nhóm Việt Challenge ở Mỹ…. Một số nhà khoa học đã về nước tìm hiểu, từ đó cung cấp những thông tin rất hữu dụng cho các cơ quan trong nước tham khảo. Đây là những thông tin rất bổ ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế số, phát triển bền vững, năng lượng sạch, big data, blockchain…
Cuối năm 2017, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp, nhằm kết nối các bạn trẻ Việt Nam đang khởi nghiệp ở trong nước với các bạn trẻ ở nước ngoài. Diễn đàn đó được tổ chức tại San Francisco (Mỹ), ngay tại thung lũng Silicon nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang làm việc. Tháng 6/2018 vừa qua, Ủy ban tiếp tục tổ chức chương trình này tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội rất tốt nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với trong nước, kết nối với giới khởi nghiệp trẻ và các cơ quan quản lý ở trong nước, từ đó tạo sự hài hòa, thấu hiểu lẫn nhau.
Ông Lương Thanh Nghị đánh giá, qua những diễn đàn này, các địa phương và các cơ quan ở trong nước thu thập được nhiều thông tin, để từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, thu hút được nhiều bạn trẻ đang sinh sống làm việc ở nước ngoài về nước tham gia.
Chăm lo tốt hơn cho kiều bào Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Hội nghị chuyên đề “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và ... |
Trải nghiệm thú vị của Trại hè Việt Nam Một tuần trôi qua ở Việt Nam là 7 ngày của những kỷ niệm khó quên về tình bạn cùng khám phá bất ngờ về ... |
Mỗi Trại hè là một cảm xúc mới Thứ trưởng Vũ Hồng Nam – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NNVNVNONN), Bộ Ngoại giao đã chia ... |