Khu công nghiệp Thăng Long, Vĩnh Phúc. |
Vị trí đặc biệt quan trọng
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường sông và đường hàng không. Đây là những ưu thế nổi trội để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực đổi mới để phát triển, trở thành địa phương có uy tín, niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc luôn nằm trong top 10 của cả nước (năm 2021 đứng thứ năm, năm 2022 đứng thứ tám). Về thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc được xem là một trong những điểm sáng ở khu vực phía Bắc.
Để tiếp tục khẳng định vị thế, Vĩnh Phúc cần nhiều nguồn ngoại lực để xây dựng và phát triển trong điều kiện nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) ngày càng bão hoà do ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nói chung và người Vĩnh Phúc ở nước ngoài (NVPONN) nói riêng là nguồn ngoại lực to lớn ở nhiều khía cạnh như: Đóng góp vật chất như kiều hối hàng năm; đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại tỉnh; kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch địa phương với các nước; ủng hộ từ thiện, nhân đạo. Bên cạnh đó là các đóng góp phi vật chất như: Quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới, tuyên truyền văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và Vĩnh Phúc, cũng như nguồn lực từ trí tuệ, trí thức kiều bào vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và các ngành kinh tế, khoa học, kỹ thuật liên quan.
Công tác kiều bào của tỉnh
Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường công tác NVNONN trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới như: Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 24/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 23/3/2022 của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về Triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Được xác định là một trong bốn trụ cột của ngành đối ngoại địa phương thời gian qua cùng với ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa, công tác về NVPONN thông qua hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã tổ chức kết nối, vận động thành lập các hội hữu nghị song phương, tiến tới thành lập Ban liên lạc người Vĩnh Phúc ở nước ngoài tại các nước. Cộng đồng NVPONN luôn tích cực tổ chức các hoạt động hướng về quê hương, đất nước và tỉnh như: Tổ chức gặp mặt kỷ niệm nhân các ngày lễ lớn, ủng hộ nhân đạo, từ thiện. Các chính sách đối với kiều bào từng bước được quan tâm thực hiện. Việc thu hút nguồn lực của NVPONN trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân đạo, từ thiện được tăng cường và đạt hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp do kiều bào đầu tư kinh doanh, như Công ty cổ phần Thép Việt – Đức, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, Công ty TNHH Soiva - Việt Nam, Công ty TNHH công nghệ COSMOS... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, giá trị kiều hối ngày càng tăng theo hàng năm. Dòng ngoại tệ này góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ gia đình nhân thân, phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư, góp vốn sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Năm 2022, Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh về Phương án điều tra người Vĩnh Phúc ở nước ngoài và gia đình thân nhân trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về người Vĩnh Phúc di cư ở nước ngoài, góp phần nâng cao hơn chất lượng công tác quản lý di cư.
Sơ bộ nội dung của cuộc điều tra như sau:
Đối tượng điều tra là các hộ gia đình, thân nhân có quan hệ là cha/mẹ đẻ, vợ/chồng, con đẻ/dâu/rể, anh/chị/em ruột hoặc người đại diện khác theo pháp luật của người Vĩnh Phúc ở nước ngoài và người Vĩnh Phúc định cư ở nước ngoài toàn bộ chín huyện, thành phố với 136 địa bàn là xã, phường, thị trấn của tỉnh.
Nội dung điều tra:
Một là, thông tin về hộ gia đình thân nhân của người Vĩnh Phúc di cư ra nước ngoài; hai là, thông tin về số lượng người Vĩnh Phúc di cư ra nước ngoài với các mục đích khác nhau (định cư, xuất khẩu lao động, du học, chuyên gia, kinh doanh, mục đích khác); ba là, thông tin của người Vĩnh Phúc di cư ra nước ngoài với mục đích định cư; bốn là, thông tin đánh giá, kiến nghị về chính sách hiện hành của nhà nước, tỉnh đối với kiều bào...
Kết quả điều tra cho thấy tổng số người Vĩnh Phúc di cư ra nước ngoài là 12.015 người, trong đó định cư là 1.582 người, xuất khẩu lao động là 7.561 người, du học là 1.683 người, chuyên gia 46 người, kinh doanh 509 người và mục đích khác 634 người. Mục đích xuất cảnh ra nước ngoài của người Vĩnh Phúc chủ yếu là xuất khẩu lao động, 7.561 người (chiếm 63%).
Để cụ thể hơn, tỉnh đã điều tra khảo sát về người Vĩnh Phúc về nước định cư, đánh giá các chính sách liên quan đến NVNONN.
Kỳ vọng thu hút nguồn lực kiều bào
Có thể thấy, cộng đồng NVNONN tiếp tục lớn mạnh về số lượng, mở rộng hơn về địa bàn và có sự thay đổi về thành phần. Nhóm kiều bào trẻ và nhóm di dân mới, đặc biệt là du học sinh sẽ là những nhân tố chủ yếu tác động tới thái độ, nhận thức của cộng đồng, cũng như sự gắn kết giữa cộng đồng NVNONN với quê hương.
Về cơ bản, cộng đồng NVPONN tiếp tục ổn định, hội nhập sâu vào xã hội sở tại trên tất cả các mặt, ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao khoa học, công nghệ, hợp tác giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, cũng như là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới. Xu hướng kiều bào trẻ về nước lập nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật... ngày càng rõ nét. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, gắn bó với quê hương trong cộng đồng NVPONN được khơi dậy và tăng cường.
Những giải pháp nâng cao hiệu quả
Tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch thực hiện một số giải pháp liên quan tới công tác NVPONN.
Trước tiên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cấp uỷ Đảng và Chính quyền trong công tác NVNONN của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên trách tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trên cơ sở quy định của pháp luật để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa thu hút nguồn lực NVPONN, trong đó các chính sách phải bảo đảm một số nội dung như: Thể hiện sự trọng dụng, tạo sức thu hút nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước và tỉnh; có các chế độ khuyến khích, trân trọng đúng mức đối với những chuyên gia, trí thức ưu tú trong cộng đồng NVPONN khi trở về tỉnh. Tiếp đó, có cơ chế khuyến khích NVPONN có năng lực tích cực tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong nước. Thêm nữa, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tạo môi trường pháp lý ổn định, làm cho kiều bào đầu tư, hợp tác với trong nước yên tâm, tin tưởng.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, nhanh chóng tạo dựng hành lang pháp lý khoa học để thu hút vốn từ kiều bào; tận dụng được nguồn công nghệ và tri thức thông qua các chuyên gia, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiếp theo, tăng cường sự tham gia của thân nhân kiều bào trong các hoạt động có liên quan, qua đó lan toả các thông điệp nhân văn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào, khơi dậy sự kết nối từ phía gia đình để tăng niềm tin, tình cảm của kiều bào đối với quê hương, đất nước.
Thành lập Ban liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh và Hội người Vĩnh Phúc ở nước ngoài để huy động tối đa nguồn lực kiều bào, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Vĩnh Phúc ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hỗ trợ tối đa các hội đoàn tổ chức các sự kiện kết nối cộng đồng trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng NVPONN, tiếp tục động viên, khích lệ lẫn nhau một lòng hướng về quê hương, đất nước, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, từ thiện trong nước.
Cuối cùng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ trong các cơ quan thực hiện công tác kiều bào; kiện toàn tổ chức, năng lực và phương tiện để các cơ quan chuyên trách công tác kiều bào, tạo điều kiện về con người, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để có đủ năng lực thực sự đáp ứng yêu cầu là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước đồng thời là đầu mối phối hợp, chỉ đạo công tác này.
| TSKH. Phan Xuân Dũng: Lựa chọn đúng người, đúng việc và thực chất để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào Điều quan trọng nhất là cần đánh giá đúng tiềm lực cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức kiều bào ... |
| Đại sứ Lương Thanh Nghị: Nhận thức sâu sắc từ cơ quan đại diện về phát huy nguồn lực kiều bào Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về công tác phát huy nguồn lực chuyên gia, trí thức kiều bào, Đại sứ Việt ... |
| Nam Định đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) của tỉnh Nam Định đạt nhiều kết quả tích cực, tạo động lực mạnh mẽ ... |
| Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản tích cực kết nối nguồn lực kiều bào trong lĩnh vực phát triển xanh, bền vững Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS. TS. Lê Đức Anh, Chủ tịch danh dự Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật ... |
| Kiều bào - nguồn lực quan trọng xây dựng Bắc Giang trong tình hình mới Những năm qua, hình ảnh tỉnh Bắc Giang phát triển giàu đẹp, văn minh đã được quảng bá rộng rãi đến các đối tác, nhà ... |