📞

Phát huy nguồn lực - điểm nhấn trong công tác Việt kiều 2018

09:00 | 30/12/2018
Vào những ngày cuối năm, Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tổ chức tại Nghệ An và Hà Tĩnh từ ngày 26 - 29/12. Sự tham gia tích cực của kiều bào khắp nơi trên thế giới đã góp phần vào bức tranh sôi động với những gam màu sáng của công tác NVNONN.

Năm 2018 vừa qua, công tác về NVNONN tiếp tục được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao trực tiếp chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác này đã tạo được chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt, đem lại nhiều thành công, đột phá mới, làm cho NVNONN ngày càng hướng về quê hương, gắn bó và có những đóng góp thiết thực cho đất nước...

Nói về những thành công này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN  Lương Thanh Nghị nhấn mạnh thông điệp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tập trung phát huy nguồn lực kiều bào.

Kết nối để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Có thể nhận thấy trong năm 2018, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho NVNONN về nước, gặp gỡ, giao lưu với chính quyền, người dân ở trong nước. Điển hình là sự kiện thường niên Xuân Quê hương (lần đầu tiên 100 kiều bào tiêu biểu đã được Tổng Bí thư và Thủ tướng tiếp thân mật), đoàn kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, đoàn kiều bào tiêu biểu ra thăm và động viên chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, đoàn kiều bào về dự Quốc khánh 2-9, Trại hè Việt Nam...

Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” thu hút 150 đại biểu tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.A)

Một xu hướng đáng mừng là kiều bào ngày càng trở về nước, không chỉ là thăm thân, mà còn đầu tư kinh doanh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính môi trường đầu tư kinh doanh rộng mở hơn, các chính sách trọng dụng đối với kiều bào bắt đầu phát huy hiệu quả cùng với sự phát triển trong nước đã giúp khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khuyến khích bà con đóng góp vào sự phát triển chung.

Để hỗ trợ bà con duy trì bản sắc văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc, trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt, thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Hiện tại, đã có ba đề án cấp Nhà nước liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt. Ủy ban cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi viết sách giáo khoa tiếng Việt, cũng như phối hợp với các kênh truyền thông mở ra các chương trình học tiếng Việt.

Điểm sáng đối với công tác hỗ trợ cộng đồng là Ủy ban đã phối với các cơ quan đại diện và các cơ quan chức năng trong nước triển khai nhiều biện pháp, hình thức vận động chính duyền các nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN làm ăn sinh sống như: hỗ trợ giấy tờ pháp lý cho khoảng 60% người gốc Việt tại Campuchia, theo dõi sát tình hình cộng đồng tại các quốc gia và khu vực khác như Lào, Thái Lan, Ukraine... Cũng theo ông Lương Thanh Nghị, vấn đề nâng cao địa vị pháp lý và bảo hộ NVNONN đã được lồng ghép và là một trong những nội dung làm việc quan trọng của các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điều này mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của NVNONN.

Phát huy nguồn lực kiều bào

Hiện nay, số lượng tỉ phú USD người Việt trên thế giới, tuy chưa nhiều nhưng ngày càng có vai trò nhất định ở một số địa bàn như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga… Ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng khẳng định vị thế về mặt chính trị của cộng đồng NVNONN ngày một được nâng cao, như gương mặt điển hình  - Hạ nghị sĩ Stephanie Đỗ, hiện là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt... Về văn hóa - giáo dục, đội ngũ trí thức, nhà khoa học gốc Việt rất đông, đã thành lập được những hội khoa học, trí thức, trở thành cầu nối hiệu quả giữa nước sở tại với Việt Nam. Trong số đó phải kể đến đóng góp của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc với Quỹ giáo dục Odon Vallet, hay các thành viên của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE)...

Xác định NVNONN là nguồn lực quan trọng, có tiềm lực lớn về kinh tế, khoa học kĩ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội, nên số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam luôn được duy trì ở mức 300 lượt người/năm. Hiện có bốn chuyên gia trí thức NVNONN (GS. TS. Nguyễn Đức Khương – Việt kiều Pháp, GS. TS. Trần Văn Thọ - Việt kiều Nhật, PGS. TS. Trần Ngọc Anh – Việt kiều Mỹ và PGS. TS. Vũ Minh Khương – Việt kiều Singapore) đang tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Điểm nổi bật là năm qua, các nhóm và cá nhân trí thức kiều bào có nhiều hoạt động sôi nổi trong nước, tập trung vào những vấn đề nóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông Lương Thanh Nghị cho biết hiện có gần 3.000 doanh nghiệp NVNONN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Công tác NVNONN cũng tập trung đến đối tượng kiều bào trẻ, đáp ứng như cầu tình hình mới như tổ chức chương trình “Tọa đàm giữa kiều bào trẻ đang lập nghiệp tại Việt Nam và thanh niên trong nước”, Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” tại TP. Hồ Chí Minh, theo dõi và hỗ trợ mạng lưới kiều bào trẻ bước đầu được hình thành nhằm đoàn kết, tập trung nguồn lực phát triển đất nước.

Những trọng tâm năm 2019

Trong năm tới, công tác đối với NVNONN tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện những chính sách hiện có, kiến nghị những chính sách, biện pháp đột phá mới nhằm tạo điều kiện hơn nữa và khuyến khích kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc làm này cũng góp phần giảm thiểu các hoạt động chống phá đối với trong nước của các các nhân, tổ chức người Việt cực đoan.

Một thực trạng của cộng đồng NVNONN là việc ở một số địa bàn, địa vị pháp lý của bà con còn chưa vững chắc như Campuchia, Lào, Ukraine... Vì vậy, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục chú trọng hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại; vận động và thúc đẩy chính quyền sở tại sớm giải quyết cơ bản giấy tờ pháp lý cho người Campuchia gốc Việt.

Để tăng cường công tác đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban sẽ mở rộng hơn về phạm vi và đi vào chiều sâu công tác giảng dạy tiếng Việt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào, cũng như định hướng, hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn, hỗ trợ mạng lưới kiều bào trẻ lập nghiệp tại Việt Nam.

 “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các sáng kiến nhằm thu hút, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực tri thức và tài chính của trí thức, doanh nhân NVNONN, đặc biệt là nhóm kiều bào trẻ vào những vấn đề phát triển cụ thể, thiết thực của đất nước”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.