Xe tải Daimler của Đức được sản xuất tại Ấn Độ. (Nguồn: DPA) |
Chia sẻ với phóng viên hôm 28/6, Đại sứ Philipp Ackermann nhấn mạnh “sự sẵn sàng đầu tư vào Ấn Độ” của doanh nghiệp Đức, với sự tin tưởng và tín nhiệm ngày càng cao đối với thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
Theo cuộc khảo sát về Triển vọng Kinh doanh Ấn Độ năm 2024 của Đức được công bố gần đây, 78% công ty kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng và 55% dự báo lợi nhuận cao hơn.
Hiện có hơn 2.000 công ty Đức đang hoạt động ở Ấn Độ. Đầu tư của Đức vào Ấn Độ chủ yếu vào các lĩnh vực giao thông vận tải, thiết bị điện, công nghiệp luyện kim, lĩnh vực dịch vụ (đặc biệt là bảo hiểm), hóa chất, hoạt động xây dựng, thương mại và ô tô.
Cũng tại cuộc gặp, Đại sứ Philipp Ackermann tiết lộ thêm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dự kiến thăm Ấn Độ vào tháng 10, hội đàm sâu rộng với người đồng cấp Narendra Modi, tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương.
“Sự thuận tiện trong kinh doanh” ở Ấn Độ sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Scholz tại đất nước sông Hằng.
Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng cũng dự kiến được nêu bật trong các cuộc thảo luận.
Theo Đại sứ Philipp Ackermann, ngày càng nhiều công ty quốc phòng Đức đang xem xét sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng.
Công ty quốc phòng Đức Thyssenkrupp Marine Systems (TKMS) và Công ty TNHH đóng tàu Mazagon Dock của Ấn Độ đã ký một thỏa thuận khung về việc cùng đấu thầu một dự án ước tính trị giá 5,2 tỷ USD để đóng 6 tàu ngầm cho Hải quân Ấn Độ.
Quá trình đấu thầu dự án mang tên P-75 Ấn Độ kết thúc vào tháng 8 và Bộ Quốc phòng có thể sẽ quyết định người thắng hợp đồng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.