Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao trong chuyến công tác tham dự Hội nghị lần thứ 32 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 diễn ra từ ngày 13-17/6/2022 tại New York, Hoa Kỳ. (Ảnh: UBBGQG) |
Ông có thể cho biết về sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào quá trình xây dựng và thông qua Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS)?
Từ lâu, cộng đồng quốc tế đã mong muốn và nỗ lực xây dựng một trật tự pháp lý trên biển, trong đó việc khai thác, sử dụng biển, quy chế pháp lý của các vùng biển, quyền của mọi quốc gia đối với biển và đại dương được quy định rõ ràng.
Mong muốn và nỗ lực này đã được hiện thực hóa qua một số Hội nghị quốc tế về Luật Biển trong trong khuôn khổ Hội Quốc liên và Liên hợp quốc. Có thể kể đến, đó là: Hội nghị về pháp điển hóa luật quốc tế năm 1930 tại Hà Lan. Tại Hội nghị này, Luật Biển, mà cụ hơn ở đây là vấn đề Quy chế pháp lý của lãnh hải là một trong ba chủ đề chính được các quốc gia tham dự Hội nghị thảo luận.
Tuy nhiên, Hội nghị đã không thể đạt được thống nhất về vấn đề chiều rộng lãnh hải do quan điểm của các nước tham dự Hội nghị còn quá khác nhau; Hội nghị Luật Biển lần thứ nhất của Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva năm 1958.
Thành quả lớn nhất của Hội nghị là việc thông qua được bốn Công ước về Luật Biển đầu tiên, tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến biển và đại dương, đó là: Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp; Công ước về thềm lục địa; Công ước về biển cả; và Công ước về đánh cá và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật biển.
Đồng thời, Hội nghị cũng đã thông qua Nghị định thư tuỳ chọn về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến biển và đại dương theo thủ tục bắt buộc bởi bên thứ 3; Hội nghị Luật Biển lần 2 năm 1960. Tuy nhiên, Hội nghị này đã không đạt được kết quả cụ thể nào.
Khác với các Hội nghị trước đây, Hội nghị Luật Biển lần ba diễn ra trong một bối cảnh mới, đó là việc hàng loạt quốc gia khu vực châu Á và châu Phi giành được độc lập và trở thành thành viên của của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc trong thập kỷ 60.
Hầu hết những quốc gia này đều không có điều kiện tham gia các Hội nghị Luật biển trước đây, do đó, mong muốn một cơ hội để cùng với cộng đồng quốc tế xây dựng lên một công ước Luật biển mới trong đó lợi ích và khát vọng của những nước này được ghi nhận và phản ánh đầy đủ.
Cùng với đó, trình độ khoa học, công nghệ ngày càng tiên tiến, con người không chỉ tìm thấy ở biển các nguồn thực phẩm mà còn thấy ở biển những nguồn tài nguyên vô giá khác, nhất là dầu khí, đáp ứng nhu cầu phục vụ quá trình phát triển. Và như chúng ta đã biết, Công ước Luật Biển - Hiến pháp về Biển và Đại dương, là kết quả của Hội nghị Luật biển lần thứ ba.
Do điều kiện đất nước bị tạm thời chia cắt, chúng ta không có điều kiện tham gia trong quá trình trù bị (từ 1967-1973) và giai đoạn đầu của Hội nghị Luật Biển lần thứ ba (1973-1976). Theo các tư liệu của Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao, chúng ta bắt đầu tham gia tại Khóa họp thứ sáu (1977).
Tham gia trong bối cảnh ta có nhiều khó khăn, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, kiến thức và tư liệu về Luật Biển rất hạn chế, kinh nghiệm hoạt động tại diễn đàn đa phương đang còn thiếu, nhiều nội dung đã được Hội nghị thảo luận.
Tuy nhiên, với nỗ lực của các thành viên tham gia đàm phán, đoàn ta đã vừa học hỏi và nắm bắt các khía cạnh lợi ích hoặc có tác động đối với mỗi nhóm nước, vừa xây dựng và thúc đẩy quan điểm pháp lý của ta trong các vấn đề mấu chốt với vị thế một quốc gia ven biển trên một loạt vấn đề như: quy chế lãnh hải và quyền qua lại vô hại của tàu nước ngoài trong đó có tàu quân sự, qui định vê đường cơ sở, qui chế các đảo và bãi đá, chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế và quyền tự do hàng hải, giới hạn ngoài cùng của thềm lục địa, các nguyên tắc về phân định biển, nguyên tắc và cơ chế giải quyết tranh chấp, chế độ khai thác đáy đại dương, chiến lược kinh tế biển....
Đóng góp lớn nhất của đoàn ta đó là đoàn ta đã cùng Nhóm các nước ủng hộ nguyên tắc phân định biển công bằng sau này đã được chính thức hóa tại các Điều 74 và 83 của Công ước, về chiều rộng lãnh hải là 12 hải lý, chế độ pháp lý của vùng Đặc quyền kinh tế… Đồng thời, trong quá trình tham gia, đã nhiều lần đoàn ta lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị.
Đánh giá của ông về các thành tựu của Việt Nam khi tham gia Công ước Luật Biển?
Theo tôi, thành tựu của Việt Nam khi tham gia Công ước được thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về biển để làm cơ sở cho việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quản lý và khai thác và sử dụng biển bền vững. Việt Nam đã kịp thời kiến nghị Chính phủ có các Tuyên bố về vùng biển Việt Nam (12/5/1977), Tuyên bố về đường cơ sở (12/11/1982) đặt nền tảng cho việc quản lý và thực thi quyền và lợi ích của ta trên biển.
Việt Nam đã hình thành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về biển, đảo. Có thể kể đến các văn kiện của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 03-NQ/TW năm 1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, Chỉ thị số 20-CT/TW năm 1997 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa và đặc biệt là với việc ra đời Nghị quyết 09-NQ/TW (khóa X) năm 2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, và Nghị quyết số 36-NQ/TW (khóa XII) năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững với tầm nhìn chiến lược rộng, tính bao quát cao trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, môi trường…
Biển là không gian nơi mọi người dân đều có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, các quy định của Công ước Luật Biển như năm 1994 Quốc hội chính thức phê chuẩn Công ước Luật Biển, thông qua Luật Dầu khí năm 1993, Bộ Luật Hàng hải năm 1990; Luật Hàng không năm 1990, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng 1997, Luật Cảnh sát biển năm 2018, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015...
Tất cả đã tạo bước chuyển mạnh về tư duy và hành động của toàn bộ hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo và đã đem lại các thành tựu to lớn trong việc khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc khai thác, sử dụng bền vững biển và đại dương. Trong quá trình tham gia xây dựng và thực thi Công ước, nhận thức của các ngành, các cấp về biển đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Theo đó, biển và đại dương, không chỉ là đối tượng của việc khai thác, mà còn là đối tượng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững, hiệu quả; biển không chỉ là không gian địa lý mà còn là không gian sinh tồn của dân tộc, nơi mọi người dân đều có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.
Quyền và lợi ích quốc gia trên biển theo Công ước không chỉ được các cơ quan chức năng mà đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, những người hoạt động trên biển nhận thức đúng đắn, chuyển từ nhận thức sang các hành động thiết thực.
Thứ ba, giải quyết các tranh chấp liên quan đến phân định biển, tạo dựng cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc xác định và thực thi các quyền của Nhà nước ta tại vùng biển Việt Nam. Căn cứ vào các nguyên tắc của Công ước, chúng ta đã giải quyết thành công vấn đề phân định vùng biển chồng lấn với Thái Lan (năm 1997), phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000), phân định thềm lục địa với Indonesia (năm 2003); khai thác chung với Malaysia (1992)...
Việt Nam kịp thời đấu tranh trước bất cứ vi phạm nào đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực Biển Đông; tích cực định hình tiếng nói chung về vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông trong các cơ chế khu vực, đa phương và toàn cầu; tham gia vào việc xây dựng các luật lệ quốc tế liên quan đến biển và đại dương ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Vận dụng Công ước, Việt Nam đã tăng cường mở rộng hợp tác trên cả khuôn khổ song phương, nhiều bên và đa phương, trong đó điển hình phải kể đến kết quả hợp tác nghiên cứu khoa học biển Việt Nam-Philippines (JOMSRE); hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm Việt Nam-Trung Quốc; tuần tra chung giữa các lực lượng chức năng của Việt Nam với các nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc...
Thứ tư, hoàn thiện thiết chế quản lý biển đảo từng bước xây dựng và hoàn thiện thiết chế quản lý biển đảo quốc gia thông qua việc hình thành một số lực lượng thực thi pháp luật trên biển đồng thời với việc nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng Biên phòng, Hải quân.
Về tổ chức, từng bước hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về biển đảo cùng với sự phân công trách nhiệm cụ thể về các lĩnh vực quản lý nhà nước về biển đảo giữa Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
Kết hợp giữa quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ về biển đảo, cùng với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo: công tác đào tạo, hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đã được chú trọng và quan tâm.
Bên cạnh việc đào tạo chính khóa cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ biển đảo, nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước tổng hợp về biển đảo, kiến thức pháp luật đã được tổ chức ở các bộ, ngành, địa phương. Việc hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển đảo cũng được mở rộng với nhiều đối tác khác nhau.
Việt Nam đã từng bước nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng Biên phòng, Hải quân. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Vai trò của Bộ Ngoại giao trong quá trình tham gia Công ước này như thế nào?
Trong quá trình này, với tư cách là cơ quan được giao chủ trì đàm phán xây dựng và đầu mối chủ trì triển khai Công ước trong lĩnh vực đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã làm tốt vai trò tiên phong, thể hiện trong việc:
Tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước thành các quy định pháp lý có liên quan như Tuyên bố Chính phủ các năm 1977, 1982; chủ trì soạn thảo, xây dựng để Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012 và các chủ trương, chính sách xử lý vấn đề Biển Đông.
Chủ trì đàm phán phân định vùng biển với các quốc gia có liên quan và chủ trì việc đấu tranh đối ngoại trước bất cứ hành vi vi phạm nào đối với các vùng biển đảo của ta được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển.
Chủ trì việc tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan đến việc thực thi Công ước, đóng góp vào hoạt động của các thiết chế được hành thành theo Công ước như Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Ủy ban Thềm lục địa, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương...
Không chỉ tích cực tham gia vào quá trình soạn thảo, Việt Nam còn thông qua thực tiễn triển khai Công ước Luật biển làm phong phú các nội dung của Công ước. Đồng thời, Công ước cũng chính là nền tảng pháp lý vững chắc để Việt Nam bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc ở khu vực Biển Đông, xử lý hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với duy trì hòa bình, ổn định.
| RCEP mang lại lợi ích cho Trung Quốc và các nước ASEAN như thế nào? Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại, một chuỗi cung ứng khu vực tích hợp hơn theo Hiệp định RCEP cũng mang lại ... |
| Phán quyết Tòa trọng tài và UNCLOS 1982 - hai 'mỏ neo' chính sách và hành động của Philippines tại Biển Đông Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông năm 2016 là dấu mốc quan trọng và ... |
| Việt Nam tôn trọng và đề cao giá trị phổ quát của ‘Hiến pháp đại dương’ UNCLOS Theo PGS, TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng giá trị phổ quát của UNCLOS đồng ... |