Một người thợ mỏ đang gánh những tảng lưu huỳnh nặng khoảng 70kg. |
Việc khai thác lưu huỳnh tại Kawah Ijen, Đông Java (Indonesia) bắt đầu từ năm 1968. Nơi đây có mỏ lưu huỳnh duy nhất trên thế giới được khai thác một cách thủ công. Mỗi ngày, khoảng 350 thợ mỏ từ các ngôi làng lân cận phải đi qua một con đường nguy hiểm từ miệng đến lòng núi lửa ở độ sâu 1.5 km để khai thác “vàng của quỷ” (tên gọi này được kết hợp từ màu vàng của lưu huỳnh và địa điểm khai thác).
Tọa lạc trên đỉnh của ngọn núi lửa là một hồ nước xanh có bán kính khoảng 1km. Đây là hồ núi lửa lớn nhất trên Trái Đất. Làn hơi thoát ra từ chiếc hồ này trông giống như hơi nước, nhưng thật ra đây là một hỗn hợp dày đặc khí sulfur dioxide và hydrogen sulfide. Điều này khiến hồ nước toát lên một vẻ đẹp huyền bí kì lạ. Nồng độ của những khí này gấp 40 lần giới hạn cho phép đối với con người. Dù làm việc trong môi trường như vậy, những thợ mỏ lại gần như không sử dụng bất kì phương tiện bảo hộ nào. Do đó, họ dễ mắc các bệnh về phổi, cơ quan sinh sản, răng miệng và tổn thương mắt.
Hồ nước xanh tuyệt đẹp nhưng độc hại trên ngọn núi lửa ở Indonessia. |
Núi lửa liên tục thoát hơi qua những lỗ phun khí ở sườn phía Đông Nam. Năm 1968, những thợ mỏ địa phương đã bịt kín những lỗ phun khí này, sau đó dẫn chúng thông qua những ống bằng gốm vào những thùng chứa, nơi chúng sẽ cô đặc lại ngay lập tức. Kế tiếp sau đó, những thợ mỏ sẽ thu nhặt từng tảng khoáng chất đông đặc này.
Những người thợ mỏ thường phải đi 2 chuyến một ngày vào bên trong núi lửa, với quãng đường tổng cộng khoảng 6km, trên những con đường dựng đứng, chưa kể đoạn đường dài 10km từ miệng núi lửa đến đường chính. Trong mỗi chuyến đi, mỗi người thợ mang trên lưng từ 70 đến 80kg lưu huỳnh.
Việc tiếp xúc lâu ngày với những chất hóa học độc hại khiến tuổi thọ những thợ mỏ thường không quá tuổi 40. Trong 4 thập kỉ vừa qua, hơn 70 thợ mỏ đã tử vong khi làm việc tại đây do khí gas độc hại bất ngờ phun ra từ các lỗ phụ khí của núi lửa. Mỗi ngày, một người thợ có thể kiếm được 10 đến 12 USD từ công việc nguy hiểm này.
CKT (theo The Diplomat)