Tính đến ngày 1/5, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết, nước này đã phát hiện 1.510 ca nhiễm Ebola ở hai tỉnh miền Đông Bắc Ituri và Bắc Kivu. Đến ngày 3/5, đã có 1.008 ca tử vong vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Đây là đợt bùng phát Ebola gây tử vong nhiều thứ hai trong lịch sử, sau đại dịch năm 2014 ở các quốc gia Guinea, Liberia, và Sierra Leone vùng Tây Phi với 11.000 người tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Số ca Ebola đã tăng đáng kể chỉ riêng trong tuần qua ở Congo do các vụ tấn công, WHO cho biết. Từ tháng Một, đã có 119 vụ tấn công khác nhau trong khu vực, trong đó 42 vụ nhắm vào cơ sở y tế, làm thiệt mạng hoặc bị thương 85 nhân viên y tế.
Các nhân viên y tế, với đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, đứng bên ngoài một trung tâm điều trị Ebola ở CHDC Congo. (Nguồn: Getty Images) |
Căn bệnh này gây sốt, nhức đầu dữ dội, xuất huyết (trong một số trường hợp), và giết chết khoảng một nửa số người nhiễm. Tuy vậy, hơn 400 bệnh nhân đã được chữa khỏi ở các trung tâm điều trị Ebola trong đợt bùng phát này, vốn bắt đầu từ tháng 8/2018.
Đại sứ Mỹ tại Congo Mike Hammer nói với CNN “có hơn 100 nhóm vũ trang” hoạt động tại vùng giao tranh ở miền Đông nước này, bao gồm một nhóm có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
WHO ước tính hơn một triệu người tị nạn hoặc phải rời bỏ nhà cửa sẽ di cư ra khỏi (hoặc quay trở lại) các tỉnh Bắc Kivu và Ituri, tăng nguy cơ lây lan Ebola.
Năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tình hình “quá nguy hiểm để có thể cử nhân viên của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC)” đến các điểm nóng. Tuy vậy, nhân viên CDC vẫn hoạt động ở các tỉnh khác ở Congo.
Ngăn chặn Ebola là việc tốn kém, đòi hỏi phải theo dõi 12.000 người, tiêm phòng hơn 1.000 người mỗi ngày ở các trung tâm tiêm phòng tạm do WHO dựng nên, theo CNN.
Hiện tại, ông Hammer đánh giá Congo đang “thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh trong một khu vực giới hạn”.