Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry phát biểu tại lễ khai mạc COP27. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 6/11, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã nhất trí sẽ thảo luận xem liệu các nước giàu có nên bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu hay không.
Đây là đề mục gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự năm nay và đã được thông qua ngay trong ngày khai mạc. Các bên sẽ thảo luận về vấn đề các thỏa thuận tài trợ khắc phục tổn thất và thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung quan trọng là nhận diện tổn thất và thiệt hại.
Trong tuyên bố tại phiên khai mạc, Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự chính thức của COP dành một đề mục riêng cho vấn đề hết sức cấp bách là các thỏa thuận hỗ trợ tài chính cần thiết để thu hẹp những khoảng cách, khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự chính thức phản ánh tinh thần đoàn kết và sẻ chia với khó khăn, mất mát mà nạn nhân của thảm họa liên quan biến đổi khí hậu phải chịu đựng. Theo ông, đây cũng là cách trả “món nợ” tinh thần cho những nhà hoạt động và các tổ chức bảo vệ môi trường đã kiên trì đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận tại các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Dù ít có hoạt động góp phần làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng các nước nghèo lại đang hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất của tình trạng này. Vấn đề các nước giàu hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo dễ chịu tác động khắc phục tổn thất và thiệt hại cũng là một trong những nội dung được cho là sẽ gây nhiều căng thẳng trong hội nghị lần này.
Trước đó, tại COP26 ở Glassgow (Anh), các nước thu nhập cao đã bác bỏ đề xuất thành lập một cơ quan phụ trách nội dung này và thay vào đó là ủng hộ một cơ thế đối thoại mới kéo dài 3 năm để thảo luận về hỗ trợ tài chính.
Theo ông Shoukry, những cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong chương trình nghị sự mới được thông qua của COP27 sẽ không bao gồm "khoản nợ hay bồi thường có ràng buộc" nhưng được kỳ vọng sẽ mở đường cho một quyết định cuối cùng trước cuối năm 2024.
COP27 được Ai Cập kỳ vọng có thể mang lại một số đột phá trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay. (Nguồn: AFP) |
Hội nghị COP27 diễn ra từ ngày 6-18/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Sharm El-Sheikh ở thành phố Sharm El-Sheikh, tỉnh Nam Sinai của Ai Cập.
Khoảng 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới tham dự. Trên 3.000 phóng viên quốc tế đăng ký tham gia đưa tin sự kiện này.
Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/11. Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Các phiên họp từ ngày 9-17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp.
Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.
Với các mục tiêu hết sức quan trọng, hội nghị khí hậu toàn cầu được kỳ vọng sẽ giải quyết sẽ các vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu. Với tư cách nước chủ nhà và là nước Chủ tịch COP27, Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, và nâng tham vọng hành động khí hậu.
Ai Cập kỳ vọng COP27 sẽ giải quyết được các vấn đề then chốt như chuyển đổi sang kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng và công bằng cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, sự thành công của COP27 phụ thuộc vào ý chí chính trị của các quốc gia, trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức như xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lương thực, đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cùng lạm phát leo thang.
| Đăng cai COP27, cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi Ai Cập? Trở thành chủ nhà của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí ... |
| Anh: Đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề đạo đức Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, tại Hội nghị COP27, Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ có bài phát biểu kêu gọi từ bỏ nhiên ... |
| Ai Cập sẽ công bố chiến lược giúp tăng GDP thêm 10-18 tỷ USD vào năm 2025 tại COP27 Ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) khai ... |
| Những nỗ lực chống biến đổi khí hậu nào sẽ được thúc đẩy tại Hội nghị COP27? Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại ... |
| Những thách thức và mục tiêu ở COP27 COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, tác động đáng kể tới cuộc chiến chống biến đổi ... |