Hình ảnh vụ phóng vệ tinh Malligyong-1 cùng tên lửa đẩy Chollima-1 của Triều Tiên ngày 1/6 vừa qua. (Nguồn: KCNA) |
Trước hết, đó là bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào Ngày Giải phóng dân tộc (ngày 15/8). Tại sự kiện này, các Tổng thống Hàn Quốc tiền nhiệm đều nhấn mạnh những nỗ lực, hy sinh của người dân nhằm lật đổ ách thống trị của đế quốc Nhật Bản, đề cao giá trị của độc lập, đồng thời bày tỏ hy vọng về cơ hội thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên. Bài phát biểu được xem là cơ hội để tiết lộ kế hoạch đối thoại và trao đổi với Triều Tiên.
Song năm nay, Tổng thống Yoon Suk Yeol sử dụng bài phát biểu để chỉ trích Triều Tiên và đề cao vai trò Nhật Bản: “Bảy căn cứ quân sự của chính phủ Nhật Bản dành cho Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) đóng vai trò là lực lượng răn đe lớn nhất ngăn chặn miền Bắc tấn công miền Nam”.
Tuyên bố cho thấy ông coi Nhật Bản là đối tác hợp tác quân sự, thay vì một láng giềng với vướng mắc về vấn đề lịch sử và thương mại như trước. Điều này đã khiến Bình Nhưỡng, vốn phản đối nỗ lực tăng cường ảnh hưởng quân sự của Tokyo, phản ứng gay gắt.
Thêm vào đó, chắc chắn phải kể tới tuyên bố chung từ Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn tại Trại David (Mỹ) ngày 18/8. Đề cập tình hình bán đảo Triều Tiên, các nhà lãnh đạo kêu gọi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn, từ bỏ chương trình hạt nhân, chỉ trích các hoạt động thử nghiệm tên lửa, tấn công mạng của Bình Nhưỡng và sẵn sàng tổ chức đối thoại ở cấp lãnh đạo mà không cần điều kiện.
Đồng thời, tuyên bố kêu gọi các nước nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về trừng phạt đối với Triều Tiên.
Nội dung này không mới, khi nó đã được các quan chức Mỹ - Nhật - Hàn nhiều lần đề cập trong các hoạt động riêng rẽ hay gặp gỡ trước đó. Điểm đáng chú ý nhất về vấn đề Triều Tiên trong văn bản này là lần đầu tiên cả ba nước quyết định sẽ lập đường dây nóng, tổ chức tập trận thường niên và chia sẻ dữ liệu thời gian thực về các vụ phóng tên lửa/vệ tinh của Bình Nhưỡng, bắt đầu cuối năm 2023.
Cần nhớ rằng thời gian qua, Triều Tiên đã phản ứng gay gắt trước hàng loạt vụ tập trận giữa lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ. Khi đó, sự tham dự của Nhật Bản chắc chắn sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”. Các nỗ lực theo dõi các vụ phóng thử tên lửa và vệ tinh cũng sẽ khiến tình hình thêm “nóng”.
Cuối cùng, cột mốc cần lưu ý là việc Triều Tiên phóng thử vệ tinh Malligyong-1 lần thứ hai ngày 24/8, chỉ ba tháng sau nỗ lực đầu tiên. Mặc dù chưa đạt được kết quả mong muốn, song Bình Nhưỡng đã có những bước tiến nhất định. Giới chuyên gia cho rằng, dường như Triều Tiên đã giải quyết được vấn đề khiến lần phóng thử tên lửa đẩy Chollima-1 đầu tiên gặp trục trặc ở giai đoạn hai. Vụ phóng lần này thất bại không phải do nhiên liệu, mà do “hệ thống đẩy khẩn cấp” bị lỗi ở giai đoạn ba, vấn đề không quá hóc búa.
Cột mốc này có ba ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, nó đánh dấu bước tiến mới trong quá trình phát triển tên lửa và vệ tinh của Triều Tiên, đặc biệt là trong sử dụng nhiên liệu rắn.
Thứ hai, sự phát triển của các vũ khí công nghệ cao, từ lên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV) xuất hiện trong lễ duyệt binh tháng trước và giờ là vệ tinh không gian giúp nước này tìm kiếm nhượng bộ lớn hơn từ Mỹ, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của đối tác lớn như Trung Quốc và Nga.
Thứ ba, các vụ phóng tên lửa với tần suất cao từ đầu năm và giờ là hoạt động thử nghiệm vệ tinh không gian gửi đi thông điệp nước này sẵn sàng đối phó áp lực mới của Mỹ - Nhật - Hàn sau Thượng đỉnh cùng sức ép cũ từ các lệnh trừng phạt.
Như vậy, ba cột mốc trên cho thấy tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể diễn biến theo chiều hướng khó lường hơn.