Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ, khoảng 55 triệu người nước này lâm vào tình cảnh nghèo đói chỉ trong một năm vì chi phí chăm sóc bệnh nhân quá cao.
Nhiều bệnh viên tư nhân ở Ấn Độ thu phí cao nhưng chất lượng chưa tương xứng. (Nguồn: Asian Times) |
Người nghèo sợ nợ hơn sợ bệnh
Thực tế cho thấy, một phần đáng kể dân số Ấn Độ dường như lảng tránh hệ thống y tế công cộng vì không gánh nổi chi phí. Nhiều gia đình đã từ chối điều trị những bệnh nặng hoặc chấp nhận chờ chết vì không có tiền chữa bệnh vì nếu chữa trị, họ cũng "phát ốm" vì hóa đơn viện phí trên trời.
Hiện nay, nợ y tế là không chỉ là nỗi trăn trở của các nước giàu, mà các nước đang phát triển như Ấn Độ đang chìm sâu vào vấn nạn này. Một trong những lý do chính khiến người nghèo của Ấn Độ phải gánh nợ là sự chênh lệnh giữa chi phí chăm sóc sức khỏe và thu nhập. Người bệnh buộc phải dùng toàn bộ tài sản tích cóp cả đời để đổi lấy cơ hội sống sót.
Bên cạnh đó, trong khi các bệnh viện công đang gặp khủng hoảng vì quá tải thì hàng loạt vấn đề như thuốc giả tràn lan và nguồn ngân sách cạn kiệt... đã và đang dày vò ngành y tế Ấn Độ. Chính phủ nước này từng đề cập tình trạng khủng hoảng chăm sóc sức khỏe khi người bệnh phải bỏ ra đến 80% chi phí khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân phải tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, dù chi phí điều trị rất cao và điều này khiến cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn.
Anh Singh (sống tại bang Chhattisgarh) than thở đã phải tạm ứng 34.000 Rupee (khoảng 455 USD) trong tám giờ đầu tiên sau khi mẹ anh nhập viện và ngay sau đó là 196.000 Rupee (hơn 2.650 USD) cho hơn 4 ngày điều trị nội trú. Singh đã phải bán một hecta đất mới có tiền chữa bệnh cho mẹ.
Cũng tại bang Chhattisgarh, bà Savani Bai (60 tuổi), trong 10 ngày nằm viện vì triệu chứng Covid-19 đã phải thế chấp trang trại rộng nửa hecta của mình để trang trải khoản viện phí 85.000 Rupee (1.137 USD), nhưng chất lượng dịch vụ khá tệ.
Bệnh viện tư - "gà đẻ trứng vàng"
Trong những năm gần đây, chăm sóc sức khỏe trở thành ngành kinh doanh sinh lời cao tại Ấn Độ. Hàng loạt chuỗi bệnh viện tư nhân lớn ra đời như Apollo, Narayan Health, Fortis và Max India... với nguồn vốn đầu tư lớn. Điều này đồng nghĩa với chi phí điều trị tại đây sẽ không thấp và chủ yếu nhắm vào tầng lớp giàu có.
Bệnh nhân nghèo Ấn Độ lâm vào cảnh nợ nần vì những viện phí khổng lồ tại các bệnh viện tư nhân. (Nguồn: Asian Times) |
Các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân có thể kiếm được lợi nhuận lớn bằng cách tính phí rất cao với nhiều khoản phí khó hiểu. Tại Ấn Độ ước tính có khoảng hơn 43.000 cơ sở y tế tư nhân - con số này gấp đôi số lượng bệnh viện công. Trong khi đó, theo thống kê có tới 85,9% dân số nông thôn và 80,9% dân số thành thị của Ấn Độ không có bảo hiểm y tế.
Tại New Delhi, các bệnh viện tư nhân được yêu cầu áp dụng mức trợ cấp lên tới 60% tổng số giường bệnh, nhưng nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng chất lượng dịch vụ khá tệ.
Điều trị lưu trú và chăm sóc đặc biệt là hạng mục "màu mỡ" để các bệnh viện tư kiếm lời. Đặc biệt trong đại dịch, các bệnh viện tư ồ ạt tăng giá giường phòng và kéo dài thời gian chăm sóc đặc biệt. Thậm chí có nơi tăng lên 50% viện phí mỗi ngày/người, gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc từ bệnh nhân. Chưa hết, một số công ty bảo hiểm từ chối chi trả nên gánh nặng viện phí này hiển nhiên chuyển lên vai người bệnh.
Ấn Độ là một trong những quốc gia bị thiệt hại nặng bởi dịch Covid-19 với một hệ thống y tế khá mong manh. Trên thực tế, đây là cơ hội để các hệ thống y tế công thể hiện vị trí xứng đáng với tư cách là các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu trong nước. Nhưng các hệ thống này đã không phát huy thế mạnh như mong đợi.