Salome Gongadze, một cô gái trẻ mới tốt nghiệp đại học tại Đức giãi bày: “Tôi không phải người duy nhất từng ngồi trong căn phòng tối, dán mắt vào màn hình để theo dõi thị trường chứng khoán từng bước sụt giảm.
Nhưng khác với những người mang mối lo về khoản đầu tư lỗ vốn, ở tuổi 23 và chuẩn bị những bước chập chững vào đời, điều duy nhất tôi cảm nhận được là sự tiếc nuối những cơ hội đã vụt qua trước mắt".
Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hậu quả khó lường với thế hệ trẻ toàn cầu. |
Chứng kiến mũi tên thị trường chứng khoán lao dốc hồi tháng 2/2020, Salome Gongadze cảm thấy hoảng sợ. "Ở thời điểm đó, hy vọng kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thạc sỹ của tôi trở nên vô cùng mong manh".
Thông qua việc nói chuyện với những người bạn đồng trang lứa, tôi nhận ra chúng tôi đều có chung nỗi bận tâm về một tương lai đen tối, giống như thế hệ trước, những người từng chứng kiến thị trường chứng khoán sụp đổ năm 2008”.
Gongadze nói thêm: “Tuy thị trường đã phục hồi sau đó, nhưng đối với những người tìm kiếm việc làm khi mới ra trường như chúng tôi, tình hình vẫn rất vô vọng ".
Những hệ quả bên lề
Theo Gongadze, hầu hết những người cùng trang lứa với cô đều hiểu rằng, họ vẫn còn may mắn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới.
Người trẻ có sức đề kháng tốt, giúp họ ít có khả năng nhiễm virus hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà đôi khi, những rắc rối thực sự mà thế hệ trẻ đang phải đối mặt lại bị xem nhẹ.
Gongadze chia sẻ: “Suốt hai năm vừa qua, hầu hết những sinh viên mới ra trường đều gặp phải tình thế bấp bênh nhiều hơn so với các khóa trước. Những tác động phụ của đại dịch, đặc biệt là tác động đối với nền kinh tế và các đợt tuyển dụng, đã giáng mạnh vào chúng tôi”.
Học phí đại học tại nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất chưa từng có. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn, nơi có nhiều trường đại học, đặc biệt là chi phí nhà ở đã tăng vọt.
Gongadze cho biết, cô thường cảm thấy khó khăn trong việc truyền đạt cho những người lớn tuổi về cuộc sống cạnh tranh khốc liệt và căng thẳng tại nhiều trường đại học, cũng như những áp lực mà bạn bè của cô phải đối mặt trong khi các nhà tuyển dụng ngày càng nâng cao các tiêu chuẩn của mình.
Những thách thức này đang diễn ra khi đại dịch tàn phá các ngành công nghiệp và khiến cho nhiều người thậm chí không thể bước chân ra khỏi nhà.
Salome Gongadze là một trong những bạn trẻ bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. |
Lối đi nào cho lớp trẻ?
Các sinh viên tốt nghiệp năm nay đang phải đối mặt với thị trường tuyển dụng cạnh tranh khốc liệt chưa từng thấy kể từ năm 2008. Người lao động, bao gồm cả sinh viên mới ra trường và những người bị sa thải hay từng hủy hợp đồng, giờ đây phải tranh nhau từng cơ hội việc làm vốn đang trở nên khan hiếm.
Chia sẻ lại câu chuyện của một người bạn đang cố xoay sở tìm công việc ổn định, Gongadze cho biết bạn cô gần như không thể chịu nổi khi phải liên tục viết rất nhiều đơn xin việc trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Tìm việc trong thời điểm này đòi hỏi nhiều kiên trì và “mặt dày” hơn bình thường. Nhưng ít ai có đủ kiên nhẫn để vượt qua một giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt và tẻ nhạt đến mức ngay cả các hoạt động thể chất cũng bị hạn chế.
Gongadze cũng đã có những trải nghiệm tương tự. “Thời gian trôi qua khá chậm bởi việc duy nhất tôi có thể làm là viết thật nhiều đơn xin việc. Nỗi căng thẳng càng đè nặng thêm mỗi ngày khi tôi nhìn vào cuốn lịch và buộc phải chấp nhận hiện thực rằng mình đã thất nghiệp lâu đến vậy.
Đại dịch đã để lại cho thế hệ trẻ chúng tôi quá nhiều mất mát”.
Cần sự giúp đỡ
Các chính phủ nên áp dụng các chính sách khả thi nhằm kích thích nền kinh tế và đẩy mạnh tuyển dụng lớp trẻ nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trong thời điểm khó khăn hiện nay, không ít người lao động phải chấp nhận việc bị nhà tuyển dụng đối xử tệ bạc, điều này chỉ khiến cho công cuộc tìm việc càng thêm căng thẳng.
Thay vào đó, nhà tuyển dụng có thể cân nhắc thực hiện gửi thông báo phỏng vấn hoặc từ chối một cách sớm nhất, giúp ứng viên bớt lo lắng và thêm phần yên tâm.
Có thể thấy, đại dịch đang làm gia tăng bất bình đẳng giữa các thế hệ bằng cách đẩy thế hệ mới vào những cuộc cạnh tranh khắc nghiệt. Lịch sử đã chứng kiến năng lực của thế hệ trước khi họ từng bật lên khỏi suy thoái kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, đối với thế hệ 2020, đây sẽ còn là nỗi trăn trở chưa có hồi kết.