Ngày 22/7, Indonesia ghi nhận hơn 49.500 ca mắc mới và 1.449 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24h. (Nguồn: Reuters) |
Tuần trước, Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil trở thành quốc gia có số ca Covid-19 theo ngày cao nhất thế giới. Hôm 22/7, nước này ghi nhận hơn 49.500 ca mắc mới và 1.449 ca tử vong trong vòng 24h.
Ông Dicky Budiman, một chuyên gia dịch tễ Indonesia nghiên cứu về các biến chủng của SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Australia, nhận định: "Biến chủng mới luôn xuất hiện ở các khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, nếu 5% xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát.
Ở Indonesia, tỷ lệ này đã vượt 10% khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là hơn 30%. Do vậy, rất có khả năng xuất hiện một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng ở Indonesia".
Ông Amin Soebandrio, Giám đốc Viện nghiên cứu Eijkman - một tổ chức của chính phủ Indonesia nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, cảnh báo mặc dù ở Indonesia chưa xuất hiện biến chủng mới nhưng vẫn cần thận trọng. Với tình trạng số ca mắc mới liên tục tăng, không thể phủ nhận và phải cảnh giác nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.
Virus liên tục biến đổi thông qua các đột biến trong chuỗi gen của chúng để tạo ra biến chủng mới. Tuy nhiên, chỉ khi biến chủng mới tăng khả năng lây lan hoặc tăng độc lực làm tăng nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở người nhiễm bệnh, khi đó WHO mới xếp biến chủng vào nhóm "đáng lo ngại".
Hiện thế giới có 4 biến chủng SARS-CoV-2 đáng lo ngại gồm Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi), Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ), Gama (phát hiện lần đầu ở Brazil).
Ông Soebandrio cho biết, hiện tất cả các biến chủng trên, ngoại trừ Gamma, đã xuất hiện ở Indonesia, trong đó Delta trở thành biến chủng trội.
Theo nhà virus học Shahid Jameel, tình hình ở Indonesia hiện nay "rất giống" làn sóng thứ hai ở Ấn Độ do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo Bộ Y tế Indonesia, đến nay, chỉ khoảng 8% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Giáo sư Ali Mokdad tại Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ở Seattle cho biết: "Càng nhiều ca nhiễm trong cộng đồng thì nguy cơ xuất hiện biến chủng mới càng cao". Tuy nhiên, việc xác định liệu biến chủng nguy hiểm xuất hiện khi nào và ở đâu nằm ngoài khả năng hiện nay của các nhà khoa học.
Robert Bollinger, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cảnh báo: "Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là khi bạn tạo cơ hội cho một loại virus RNA như SARS-CoV-2 lây lan, cơ hội xuất hiện một biến thể mới sẽ tăng lên. Indonesia nên nhìn lại bài học ở Ấn Độ".
Indonesia hiện là tâm dịch lớn nhất tại Đông Nam Á với hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Giới chức nước này đã ban bố hàng loạt biện pháp hạn chế nhằm ngăn đà lây lan của dịch, trong đó có lệnh hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người.
Mặc dù vậy, trong tuần này, hàng nghìn người Indonesia vẫn tập trung cầu nguyện bên ngoài các nhà thờ vào dịp lễ Eid al-Adha.