Đại dịch Covid-19 khiến lao động giúp việc gia đình dễ bị tổn thương hơn do tình trạng bất bình đẳng kéo dài. (Nguồn: Jet Club) |
Báo cáo được công bố nhân kỷ niệm 10 năm thông qua Công ước về Lao động giúp việc gia đình.
ILO cho biết, điều kiện làm việc của nhiều lao động giúp việc gia đình trên thế giới đã không được cải thiện trong thập kỷ qua và ngày càng trở nên tồi tệ hơn do dịch Covid-19. Hơn 60 triệu lao động giúp việc gia đình ở khu vực kinh tế phi chính thức đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Những người này trở nên dễ bị tổn thương hơn do tình trạng bất bình đẳng kéo dài trên thị trường lao động cũng như trong tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội.
Theo báo cáo của ILO, giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 chứng kiến 5-20% số lao động giúp việc gia đình ở hầu hết các nước ở châu Âu cũng như Canada và Nam Phi bị mất việc làm. Ở châu Mỹ, tình hình còn tồi tệ hơn với tỷ lệ mất việc lên tới 25-50%.
Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ mất việc làm của các lao động thuộc ngành nghề khác ở hầu hết các quốc gia chưa đến 15%. Hiện lao động giúp việc gia đình vẫn đang đấu tranh để được công nhận là người lao động và người cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã nêu bật nhu cầu cấp thiết phải chính thức hóa công việc giúp việc gia đình để đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động, bắt đầu bằng việc mở rộng và thực hiện luật lao động và an sinh xã hội cho tất cả người lao động giúp việc gia đình.
Một thập kỷ trước, việc ILO thông qua Công ước về Lao động giúp việc gia đình năm 2011 đã được ca ngợi là bước đột phá nhằm bảo vệ quyền lợi của hàng chục triệu người giúp việc gia đình trên khắp thế giới - hầu hết trong số họ là phụ nữ.
Kể từ đó, đã có một số tiến bộ với việc giảm hơn 16 điểm phần trăm về số lượng lao động giúp việc gia đình hoàn toàn bị loại khỏi phạm vi của các luật và quy định về lao động.
Tuy nhiên, một số lượng lớn lao động giúp việc gia đình (36%) vẫn bị loại trừ hoàn toàn khỏi luật lao động, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải thu hẹp khoảng cách pháp lý, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương và các nước Arab, nơi có khoảng cách lớn nhất.