📞

Covid-19: Không thể lơ là, Nghệ An và Long An tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội

Chu Văn 12:36 | 15/08/2021
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An quyết định từ 0h ngày 15/8, giãn cách xã hội toàn bộ thành phố Vinh, theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 14/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Vinh cũng đã phong tỏa và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 3 khu vực trên địa bàn thành phố là Chợ đầu mối thành phố Vinh; ngõ 30 B đường Cao Xuân Huy; đường Đội Quyên (khối 6B, phường Cửa Nam).

Cán bộ y tế tiến hành điều tra dịch tễ khu vực nhà 2 mẹ con bệnh nhân L.T.T.X và H.T.T.M sinh sống.

Lúc 18h ngày 14/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông báo phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến chợ đầu mối thành phố Vinh gồm: L.T.T.X (sinh năm 1979; địa chỉ thường trú tại khối 6, phường Cửa Nam, thành phố Vinh; bán hoa quả tại chợ đầu mối); H.T.T.M (sinh năm 2002, con của L.T.T.X) và T.B.T (sinh năm 1970; địa chỉ thường trú tại Khu đô thị Long Châu, phường Vinh Tân, thành phố Vinh; lái xe giao nhận hàng cho L.T.T.X)

Đến 6h sáng nay (15/8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An tiếp tục thông báo phát hiện thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là L.T.C (sinh năm 1970; địa chỉ thường trú tại xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai; làm nghề buôn bán rau ở chợ đầu mối).

Ngay sau khi phát hiện trường hợp là người kinh doanh tại chợ đầu mối dương tính với SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Vinh đã thông báo khẩn đến Ủy ban Nhân dân 25 phường, xã trên địa bàn thành phố để truy vết những người đã từng đến chợ này.

Cùng với đó, thành phố tiến hành khoanh vùng để test nhanh SARS-CoV-2 cho 678 người kinh doanh tại chợ đầu mối. Trong ngày hôm nay, thành phố tiếp tục làm test nhanh cho những người liên quan đến chợ đầu mối.

Chợ đầu mối thành phố Vinh (nằm trên địa bàn phường Hồng Sơn) là chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Hàng ngày lưu lượng người, xe ra vào chợ rất đông. Đây cũng là chợ cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho các chợ khác tại các huyện, thị xã trong tỉnh, chính vì vậy lượng người buôn bán từ chợ này đi về các chợ ở các địa phương là rất lớn.

Trước đó, vào tháng 6/2021 chợ đầu mối thành phố Vinh đã trở thành ổ dịch lớn và phức tạp nhất tỉnh Nghệ An. Từ ổ dịch này đã có rất nhiều trường hợp dương tính xuất hiện ở thành phố Vinh và các huyện, thị xã khác trong tỉnh.

Sáng 15/8, Sở Y tế nghệ An có thông báo khẩn số 68 về địa điểm liên quan đến bệnh nhân Covid-19

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra dịch tễ ban đầu của các bệnh nhân, Sở Y tế Nghệ An đề nghị những ai từng đến địa điểm sau đây thì cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường gần nhất để được hỗ trợ; gọi điện đến đường dây nóng và cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình, theo số 1900.9095 (Bộ Y tế), 02386.555.666 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh), 093.68.37.115 (Tổng đài trả lời tự động và khai báo y tế):

1.Chợ đầu mối: Từ ngày 31/7-14/8;

2. Quán cà phê số 187, đường Phùng Chí Kiên, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh: Từ khoảng 20h đến 21h ngày 1/8;

3. Điện máy Hương Giang, đường Trần Phú, TP. Vinh: Từ khoảng 20h đến 21h30 ngày 7/8;

4. Đền Hồng Sơn, TP. Vinh: Từ khoảng 16h đến 18h ngày 8/8;

5. Quán Kem MIXUE, số 211, đường Lê Duẩn, TP. Vinh: Khoảng 19h đến 21h ngày 12/8;

6. Quán Trà Dâu, số 365, đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh: Khoảng 19h đến 21h ngày 13/8;

7. Quán cà phê phố mới, số 54, đường số 1, khu đô thị mới Vinh Tân, TP. Vinh: Từ Khoảng 9h đến 9h30 ngày 12/8;

8. Quán Hoa Tuấn, đường Hồ Xuân Hương, TP. Vinh: Từ 11h đến 12h ngày 12/8.

Tại Long An, ngày 15/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Út đã ký Công văn số 8148 /UBND-VHXH về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 30/8/2021.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm, nhất quán các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị, đảm bảo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó” và tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong.”

Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với nhau và với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, cập nhật các giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch và điều trị để kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện (trong đó Tổ chức các tầng điều trị - mô hình 3 tầng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế) một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện của từng địa phương; không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các cơ sở thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và 2 chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng…

Sở Y tế khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch xét nghiệm tầm soát cộng đồng tại các địa phương trọng điểm, đảm bảo thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả; tránh lạm dụng xét nghiệm, lãng phí.

Qua tầm soát phải kiểm soát, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đặc biệt là tại các khu vực phong tỏa, các địa bàn thuộc “vùng đỏ.”

Đồng thời, thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tỷ lệ người nhiễm có triệu chứng, tỷ lệ chuyển bệnh nặng, tỷ lệ tử vong ở tất cả các tầng, các lớp điều trị và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác; duy trì hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh an toàn.

Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, oxy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh.

Bên cạnh đó, tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, đảm bảo tiến độ; huy động mọi lực lượng y tế công lập, tư nhân và các lực lượng hỗ trợ khác triển khai chiến dịch tiêm vaccine, nhất là tại các địa phương có nhiều ca nhiễm.

Một chốt kiểm soát dịch ở Long An. (Nguồn: NLĐ)

Các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh phương án để nâng cao hơn nữa việc bảo đảm lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản… cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiếu yếu phục vụ người dân, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; trong đó lưu ý tổ chức thực hiện lại “mô hình phát phiếu mua hàng thiết yếu” đảm bảo một hộ gia đình chỉ đi mua hàng thiết yếu một lần trong tuần với một khung giờ nhất định.

Kết hợp thực hiện tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân thông qua các mô hình như: “mô hình đi chợ hộ dân,” “mô hình đi chợ cho nhóm hộ gia đình” và các mô hình hiệu quả khác.

Triển khai thực hỗ trợ tiếp nhận người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trở về từ tỉnh, thành phố, đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1063/CĐ-TTg…

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An còn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Tính đến 18h30 ngày 14/8, Long An ghi nhận 14.427 ca mắc Covid-19; trong đó có 13.885 ca mắc cộng đồng có mã số, 513 ca mắc cộng đồng chưa có mã số, 29 ca nhập cảnh; điều trị khỏi 4.381 người, 162 trường hợp tử vong.