TIN LIÊN QUAN | |
Tin ASEAN buổi sáng 19/3 | |
Dịch Covid-19: Châu Âu thừa nhận đã đánh giá thấp virus corona, Hàn Quốc có thêm ổ dịch ở Daegu |
Các buồng xét nghiệm được lắp đặt ở nhiều nơi, nhân viên y tế không cần tiếp xúc trực tiếp với người xét nghiệm. (Nguồn: Abs-cbn) |
Tốc độ lây nhiễm ở quốc gia 50 triệu dân này đang giảm dần khi số ca nhiễm hàng ngày chỉ ở mức 2 chữ số, thấp hơn hẳn so với con số 909 ca vào ngày cao điểm nhất là 29/2.
Điều đáng nói, Hàn Quốc làm được điều này mà không cần phong tỏa toàn bộ đất nước hay thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ như cách Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh.
Bài học từ dịch MERS
Hàn Quốc đã thấy được tầm quan trọng của việc sẵn sàng đối phó với dịch bệnh từ những bài học thực tế xương máu. Năm 2015, một doanh nhân Hàn Quốc mắc MERS sau khi đến 3 nước Trung Đông quay về. Người này được điều trị tại 3 cơ sở y tế của Hàn Quốc trước khi được chẩn đoán đã mắc MERS và được cách ly.
Vào thời điểm đó, bệnh nhân này đã tạo ra một chuỗi lây nhiễm với 186 trường hợp nhiễm bệnh và 36 ca tử vong. Tuy nhiên, sau quá trình theo dõi, xét nghiệm và cách ly gần 17.000 người, dịch bệnh được dập tắt sau 2 tháng.
Chuyên gia Kim Woo-joo tại Đại học Hàn Quốc cho biết: "Kinh nghiệm đó cho thấy việc xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kiểm soát dịch bệnh".
"Kinh nghiệm từ dịch MERS chắc chắn đã giúp chúng tôi cải thiện công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại các bệnh viện. Cho tới nay, chưa có nhân viên y tế Hàn Quốc nào mắc Covid-19", Oh Myoung-don, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Seoul đánh giá.
Thông tin minh bạch
Hiểu một cách đơn giản, ngăn chặn dịch bệnh là quá trình xác định và cách ly các cá nhân nhiễm bệnh nhanh nhất có thể, ngăn chặn họ lây nhiễm virus cho những người không bị nhiễm bệnh khác, trong đó, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là có một quy trình thao tác tiêu chuẩn (Standard operating procedure - SOP) - một hệ thống quy trình được tạo ra để hướng dẫn và duy trì chất lượng công việc.
Cho tới nay, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia cho thấy họ có một hệ thống SOP nhất quán và hiệu quả. Điều này không mấy ngạc nhiên, nhất là khi quốc gia này đầu tư đáng kể vào việc ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm sau những kinh nghiệm trước đó từ dịch SARS và MERS.
Hệ thống SOP của Hàn Quốc yêu cầu 5 bước: chiến dịch thông tin minh bạch và mạnh mẽ, xét nghiệm với số lượng lớn, cách ly các cá nhân nhiễm bệnh, điều trị những trường hợp cần chữa trị và khử trùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Những biện pháp này rất rõ ràng nhưng việc thực hiện nghiêm túc như thế nào sẽ quyết định hiệu quả của chúng ra sao.
Thông tin minh bạch luôn là bước quan trọng đầu tiên trong bất kỳ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nào. Tại Hàn Quốc, chiến dịch này tập trung vào 2 thành tố quan trọng: các nhân tố rủi ro và các biện pháp hữu ích.
Các nhân tố rủi ro để chỉ thông tin về tình hình ngay lập tức. “Ai xung quanh tôi đã bị nhiễm bệnh? Liệu tôi có đi tới một cửa hàng tiện lợi nào đó mà những người nhiễm bệnh đã lui tới hay không?” Đây là những điều mà mọi người phải biết để đưa ra quyết định liệu họ có nên đi xét nghiệm hay không.
Tại Hàn Quốc, câu trả lời cho những câu hỏi trên được chính phủ cung cấp hàng ngày thông qua các cuộc họp báo, trang web, tin nhắc tự động như một biện pháp duy trì liên lạc liên tục với những địa phương xuất hiện những ca bệnh mới được chẩn đoán. Danh sách các nhà hàng, cửa hàng và nhà thờ cũng được gửi kèm để mọi người có thể nhanh chóng biết được liệu họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh hay không. Các tin nhắn này được gửi trực tiếp tới từng số máy nên sẽ không cần lo ngại về tính xác thực của thông tin cũng như xóa tan nhưng lo ngại về tin giả .
Các biện pháp hữu ích bao gồm những giải thích chi tiết về SOP và khuyến cáo chung về sự lây nhiễm của virus. Khuyến cáo này thường xuất hiện hàng ngày trên ti vi, báo đài, quảng cáo trên mạng nhằm nhắc nhở mọi người tránh tập trung nơi đông người và có các biện pháp vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh hợp lý. Tất cả các bước trên đều được thực hiện đồng thời đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc mọi người có thể bảo vệ nhau và ngăn ngừa dịch bệnh như thế nào.
Các thông tin này cũng có vai trò xóa tan sự lệch lạc về thông tin như tin đồn, tin giả, để từ đó giảm thiểu khả năng người dân thực hiện những hành vi không cần thiết, hoặc thậm chí phản khoa học.
Xét nghiệm lưu động ngay tại bãi đỗ xe. (Nguồn: Skynews) |
Xét nghiệm nhanh và hiệu quả - mấu chốt để kiểm soát dịch bệnh
Minh bạch thông tin sẽ không đạt được sự hữu ích tối đa, trừ khi kết hợp với một quy trình xét nghiệm hiệu quả. Ở đây, Chính phủ Hàn Quốc đã rất quyết đoán khi luôn sẵn sàng xét nghiệm trên toàn quốc, thậm chí cử cả đội ngũ y tế đến những khu vực nông thôn xa xôi và lập các trung tâm xét nghiệm trên đường ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Daegu. Hàn Quốc hiện có 43 trạm xét nghiệm trên đường - một mô hình mà hiện Mỹ, Canada và Vương quốc Anh đều đang học tập.
Quy mô xét nghiệm và tốc độ xét nghiệm là các nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Để đạt được điều này, Hàn Quốc hiện có khả năng thực hiện hơn 10.000 xét nghiệm hàng ngày trên hầu hết các khu vực. Người xét nghiệm sẽ nhận được kết quả rất nhanh, trong vòng 24 giờ qua tin nhắc gửi tới từng số máy.
Sau khi dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã nhanh chóng phát triển quy trình xét nghiệm và hợp tác với các nhà sản xuất để phát triển bộ kit xét nghiệm thương mại. Bộ kit đầu tiên được chấp nhận ngày 7/2, khi Hàn Quốc chỉ ghi nhận 1 vài ca nhiễm.
11 ngày sau, 1 phụ nữ 61 tuổi, còn gọi là "trường hợp thứ 31" dương tính với SARS-CoV-2. Người này đã tham gia các hoạt động của giáo phái Tân Thiên Địa tại nhà thờ ở Daegu từ ngày 9 - 16/2 và sau đó sốt nhẹ.
12 ngày sau đó, Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.900 ca nhiễm, phần lớn đều là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa. Chỉ riêng trong ngày 29/2, KCDC ghi nhận hơn 900 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên 3.150 và khiến quốc gia này trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục.
Ngay sau đó, Hàn Quốc đã thực hiện một loạt những biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan mà trước tiên, những nỗ lực theo dõi tiếp xúc tập trung vào ổ dịch của giáo phái Tân Thiên Địa.
Những bệnh nhân rủi ro cao khi mắc các bệnh nền sẽ được ưu tiên điều trị tại bệnh viện. Những người có các triệu chứng trung bình được đưa tới các cơ sở y tế tận dụng từ những địa điểm công cộng để được hỗ trợ và giám sát y tế. Những người đã hồi phục và âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 sẽ được ra viện.
Việc liên lạc với những người có triệu chứng nhẹ tự cách ly 2 tuần thường xuyên được duy trì. Những người vi phạm quy định cách ly sẽ bị phát 3 triệu Won (khoảng 2.500 USD). Nếu một dự thảo luật gần đây của Hàn Quốc trở thành luật, mức phạt sẽ tăng lên 10 triệu Won và nhiều nhất là 1 năm tù.
Như vậy, đằng sau thành quả kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc là một chương trình xét nghiệm có tổ chức và lớn nhất thế giới, kết hợp với những nỗ lực tối đa nhằm cách ly những người nhiễm bệnh, cũng như theo dõi và cách ly cả những người mà họ tiếp xúc.
Theo trang web Worldometer, Hàn Quốc đã xét nghiệm cho hơn 270.000 người, tức là cứ 1 triệu dân thì thực hiện được hơn 5.200 xét nghiệm - tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Bahrain. Mỹ cho tới nay mới thực hiện được 74 xét nghiệm trong số 1 triệu dân, theo dữ liệu từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của nước này.
Khả năng của Hàn Quốc cho thấy "quy mô chẩn đoán là mấu chốt của việc kiểm soát dịch bệnh", Raina MacIntyre - học giả về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales, Sydney cho biết. Chuyên gia này cũng khẳng định thêm: "Theo dõi liên lạc cũng có vai trò đáng kể kiểm soát dịch bệnh".
| Covid-19: Thế giới thế nào sau dịch bệnh? TGVN. Dịch bệnh covid-19 đặt ra thách thức rất lớn đối với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Thế giới và ... |
| Cập nhật 7h ngày 19/3: Thủ tướng Đức lần đầu phát thông điệp toàn quốc, Anh đóng cửa toàn bộ trường học, số ca mắc Covid-19 ở Nga tăng cao nhất TGVN. Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả cuộc khủng hoảng do ... |
| Phát động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và người dân bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn TGVN. Chiều 18/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức phát động ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng ... |