Hàng triệu người lao động trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và nghỉ tạm thời bởi Covid-19. (Nguồn: LICAS News) |
Công việc và thu nhập
Việc Chính phủ các nước thi hành lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của virus đã giáng một đòn mạnh lên những người lao động đang sống dựa trên tiền công hàng ngày. Họ không thể di chuyển tới nơi làm, khiến nguồn thu nhập ngày một kiệt quệ và hoàn toàn mơ hồ về tương lai phía trước.
Đại đa số công nhân ở các quốc gia đang phát triển đang làm công việc chân tay và không nhận được bất cứ gói cứu trợ nào như ở các nước giàu có. Dù chính phủ các nước đã nỗ lực tăng cấp độ bảo vệ để chống lại đại dịch, điều này rõ ràng là chưa đủ.
Ở chiều ngược lại, các tỷ phú hàng đầu thế giới như Jeff Bezos, Bill Gates hay Mark Zuckerberg lại đang chứng kiến khối tài sản ngày một tăng lên của mình.
Báo cáo của Oxfam cho thấy, kể từ lúc đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020 đến hết năm 2020, khối tài sản của các tỷ phú toàn cầu đã tăng thêm 3,9 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tổng thu nhập của các công nhân trên toàn thế giới đã giảm 3,7 nghìn tỷ USD khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất việc làm đột ngột.
Bình đẳng giới
Covid-19 khiến một vấn đề vốn đã dai dẳng như bất bình đẳng giới càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ có xu hướng làm các công việc bị tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch (như nội trợ, phục vụ nhà hàng, du lịch, quản lý khách sạn...) nhiều hơn đàn ông. Chính bởi tính chất công việc yêu cầu sự giao tiếp mặt đối mặt nên làm việc từ xa không phải là lựa chọn của nhiều người.
Hơn nữa, khi phải ở nhà để thực hiện lệnh giãn cách, phụ nữ thường phải chăm sóc con cái và làm việc nhà nhiều hơn đàn ông. Trung bình, mỗi người phụ nữ dành ra 62 tiếng/tuần để chăm sóc con cái, so với 36 tiếng mà đàn ông phải bỏ ra. Điều này vô tình dẫn tới sự phân bổ việc nhà không đồng đều giữa các thành viên trong gia đình.
Số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy số vụ bạo lực gia đình ở Pháp đã tăng 30%, trong khi Trung Quốc ghi nhận số vụ bạo hành tăng gấp ba lần kể từ khi bắt đầu lệnh giãn cách vào tháng 3/2020.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, việc trường học và các cơ sở mầm non đóng cửa đã buộc nhiều trẻ em gái phải bỏ học để giúp đỡ mẹ làm việc nhà và chăm lo cho các thành viên khác trong gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp về lâu dài cũng như triển vọng thu nhập của các em.
Phân biệt chủng tộc cũng là một virus cần loại bỏ. (Nguồn: Getty) |
Phân biệt chủng tộc
Cứ 10 người Mỹ gốc Á và da màu thì có 4 người phải trải qua sự kỳ thị sắc tộc trong đại dịch Covid-19. Đây là những đối tượng chịu nhiều sự sỉ nhục và đe dọa tấn công về mặt thân thể hơn bất cứ chủng tộc nào khác.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC tại Mỹ cho thấy người Mỹ da màu có tỷ lệ tử vong và nhập viện vì Covid-19 cao thứ hai, chỉ xếp sau người Mỹ bản địa. Trong khi tuổi thọ trung bình của người da trắng chỉ giảm 1,2 tuổi thì con số này ở người Mỹ gốc Latinh giảm 3 tuổi và ở người da màu là 2,9 tuổi.
Đại dịch Covid-19 đặc biệt đẩy người da màu và người gốc Latinh tại Mỹ vào cảnh thất nghiệp hoặc không thể làm việc từ xa như người da trắng hay người gốc Á. Chính khoảng cách này đã giải thích lý do vì sao người da màu có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn hẳn so với các tộc người khác.
Sự tiếp cận vaccine
Khả năng tiếp cận với vaccine sẽ quyết định mức độ và tốc độ phục hồi của một cá nhân hay một quốc gia khỏi đại dịch Covid-19.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh cáo “chủ nghĩa dân tộc vaccine” khi sự phân bổ hầu hết nguồn vaccine được đưa đến công dân của các nước giàu, những nước đã đổ hàng tỷ đô vào công tác nghiên cứu và điều chế.
Các quốc gia có thu nhập thấp sẽ phải gánh một khoản chi phí khổng lồ cả về con người lẫn kinh tế nếu các nước phát triển nhất quyết dự trữ nguồn vật tư y tế cho công dân của mình.
Theo số liệu của Đại học Oxford, khoảng 76% tổng số liều vaccine đã được tiêm cho công dân của các nước có thu nhập cao hoặc trên trung bình, trong khi chỉ vỏn vẹn 0,5% số liều được đưa tới các nước có thu nhập thấp.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới là hoàn toàn vô đạo đức và không hề khôn khéo.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa khẳng định: “Chủ nghĩa dân chủ vaccine là hoàn toàn thất sách và đi ngược với châm ngôn Không ai an toàn khi tất cả mọi người đều an toàn”.
Có thể nói, tác động của đại dịch Covid-19 đến sự bất bình đẳng toàn cầu sẽ còn phụ thuộc vào việc liệu chính phủ của các nước đang phát triển sẽ phối hợp hành động đến đâu để mang đến những chương trình cứu trợ diện rộng cho người nghèo và xa hơn là trang bị cho họ kỹ năng thích ứng với thế giới ngày càng số hóa như hiện nay.
Điều đó cũng cần đến sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế nhằm cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giãn nợ cho các nước gặp khó khăn này.
| Tổng thư ký LHQ: Tinh thần đoàn kết với người di cư đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng thể hiện tinh thần đoàn kết với người di cư đang trở nên quan ... |
| Phân biệt đối xử vaccine Covid-19: Lời cảnh tỉnh từ Omicron, châu Phi trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau Các chuyên gia quốc tế cảnh báo việc không đảm bảo mục tiêu tiêm phòng Covid-19 trên toàn thế giới đã tạo cơ hội cho ... |