📞

Covid-19 làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố?

Lê Ngọc 08:00 | 14/04/2020
TGVN. Trong khi cả thế giới đang gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra thì các nhóm khủng bố cũng không phải ngoại lệ. 
Đại dịch hoành hành đã làm cho các hoạt động khủng bố bị sao nhãng. (Nguồn: Gazeta)

Dịch bệnh Covid-19 hiện được ghi nhận tại 211 quốc gia, với hơn 1,8 triệu trường hợp bị nhiễm và lấy đi sinh mạng của khoảng 116.000 người. Ở một khía cạnh nào đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện lớn với sự giám sát nghiêm ngặt của quân đội... giúp ngăn chặn sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng không hẳn giúp kiềm chế hoạt động khủng bố ở các nước phương Tây.

Sao lãng vì đại dịch

Những kẻ khủng bố gần như "nằm im" ở các nước phương Tây nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ở các quốc gia khác, đặc biệt là tại Trung Đông và châu Phi, và một phần ở Trung và Đông Nam Á. Điều này một phần có liên quan đến việc phương Tây đang phải dồn lực cho cuộc chiến chống dịch bệnh nên có phần sao lãng đối với các lực lượng khủng bố.

Cụ thể, các nhiệm vụ của liên minh chống khủng bố quốc tế bị đình chỉ ở Iraq và quân đội các nước bắt đầu rời khỏi lãnh thổ Iraq từ tháng 2 vừa qua. Quyết định này có liên quan đến cuộc xung đột giữa Washington và Tehran - xoay quanh việc sát hại Tướng Iran Kassem Suleimani tại sân bay Baghdad, gây ra phản ứng tiêu cực từ Iraq.

Hồi cuối tháng 3, các cố vấn quân sự Mỹ cũng đã rời khỏi Iraq trong khi NATO dừng các hoạt động hỗ trợ và liên minh Mỹ chuyển một phần căn cứ quân sự của mình cho quân đội Iraq, chỉ để lại lực lượng tại các cơ sở được bảo vệ tốt nhất.

Với quân đội Mỹ, những biện pháp này được cho là để bảo vệ quân đội khỏi một cuộc tấn công từ Iran. Tuy nhiên, Covid-19 đã trở thành một biến số mới và dẫn đến sự sụt giảm trong tương tác giữa Washington và Baghdad.

Không có sự hỗ trợ của quốc tế, Iraq đã giảm đáng kể số lượng các cuộc tấn công chống khủng bố mà trong đó quân đội Mỹ đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, nước này đã ghi nhận hơn 1.350 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với 76 ca tử vong. Việc quân đội tham gia cuộc chiến chống lại Covid-19 đã khiến những kẻ khủng bố không được "chăm sóc" đặc biệt như trước.

Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố ở Idlib (Syria) đang rời rạc hơn thì Nga vẫn đang hỗ trợ Syria chống lại bọn khủng bố, còn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tập trung vào Idlib. Tuy nhiên, theo hãng tin SANA, một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria đã bị nhiễm virus corona và Ankara khẩn trương tăng số lượng nhân viên y tế trong khu vực chiến sự.

Giới quan sát dự đoán, Ankara sẽ điều chỉnh một số vấn đề trong kiểm soát lực lượng tại Idlib.

Khó khăn và thời cơ

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng tại các nhà tù - nơi giam giữ các phiến quân IS tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đánh giá đây là vấn đề nghiêm trọng do số tù nhân quá đông - khoảng hơn 10.000 người và trong các trại di tản khoảng 67.000 người.

Thực tế là việc phương Tây tập trung nguồn lực vào phòng chống dịch bệnh đã khiến các phiến quân thuận lợi hơn ở Iraq. Tương tự, tại châu Phi - Pháp đang phải điều chỉnh chiến dịch Barkhane chống lại những kẻ khủng bố liên quan đến Al-Qaeda và các phiến quân trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong khi đó, Italy buộc phải tạm dừng tham gia cuộc chiến chống cướp biển ở Somalia.

Mối nguy hiểm với chủ nghĩa khủng bố cũng gia tăng ở Đông Nam Á - nơi nhiều phiến quân IS đã đến ẩn náu sau thất bại của tổ chức này tại Syria. Các quốc gia trong khu vực này đều đang trong cuộc chiến chống lại Covid-19 mặc dù tổng số ca mắc bệnh đến nay chưa vượt quá 10.000.

Tranh thủ thời cơ nằm ngoài tầm ngắm, những kẻ khủng bố đang tận dụng thời gian. Tại Iraq, IS đã tăng gấp 4 lần số lượng cuộc tấn công bằng súng cối và tên lửa.

Vắng các chiến dịch chống khủng bố, phiến quân đã có thể dần dần giành quyền kiểm soát các khu định cư nhỏ tại Iraq hòng chiếm được phần lớn Iraq. Rất có thể IS sẽ cố gắng khôi phục sự hiện diện ở Syria, theo một cách nào đó.

(theo báo Nga Gazeta)