Do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19, Nhật Bản chính thức "đóng cửa" với người hâm mộ nước ngoài. (Nguồn: AFP) |
Ngày 20/3, giới chức bang Florida của Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Miami Beach nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp nghỉ Xuân, vốn thường có rất đông người tụ tập tiệc tùng tại thành phố biển này.
Đây là năm thứ 2, hoạt động giải trí trong kỳ nghỉ Xuân ở thành phố này không được tổ chức như thường lệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo quyết định của giới chức bang, các du khách không được xuống phố trong phòng 72 tiếng, nhà hàng tại các khu phố du lịch chính ở South Beach – trung tâm tiệc tùng cùa thành phố, sẽ phải đóng cửa từ 20h.
Ba cây cầu nối đảo Miami Beach với thành phố Miami trên đất liền sẽ hoàn toàn bị phong tỏa trong thời gian từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau. Chỉ có cư dân đảo, người lao động và khách lưu trú trong khách sạn trên đảo được phép miễn trừ thực hiện lệnh này.
Việc giới chức bang Florida ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng lệnh giới nghiêm nói trên nhằm duy trì nỗ lực phòng tránh dịch bệnh. Hiện Mỹ đang đẩy mạnh chương trình xét nghiệm vaccine ngừa Covid-19, song số ca nhiễm mới tại nước này vẫn ở mức cao (trên 50.000 ca/ngày).
Đến nay, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Mỹ đã vượt 30 triệu ca, chiếm khoảng gần 1/4 số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản lại đang cân nhắc yêu cầu tất cả khách nước ngoài tới nước này phải xét nghiệm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong hệ thống hiện tại, tất cả những người đến Nhật Bản từ 24 nước có ca nhiễm các biến thể mới phải làm thêm xét nghiệm sau khi nhập cảnh 3 ngày. Nhà chức trách cũng giám sát chặt chẽ việc những người này thực hiện tự cách ly trong 14 ngày.
Phát biểu ngày 21/3 trên đài truyền hình NHK về sự cần thiết phải thắt chặt kiểm soát biên giới, Bộ trưởng y tế Norihisa Tamura cho biết chính phủ đang cân nhắc ký hợp đồng với các công ty an ninh tư nhân để giám sát những người phải tự cách ly.
Trước đó, ngày 20/3, Nhật Bản đã thêm 7 nước vào danh sách cần thắt chặt hạn chế nhập cảnh, chủ yếu là các nước châu Âu. Quy định này áp dụng với những người Nhật và người nước ngoài từng qua các nước Estonia, Cộng hòa Czech, Pakistan, Hungary, Ba Lan, Luxembourg và Lebanon.
Liên quan đến Olympic và Paralympic, cùng với việc quyết định không cho phép khán giả nước ngoài tới Nhật Bản xem các trận thi đấu, cơ quan chức năng Nhật Bản cũng đang đề nghị chính phủ các nước hạn chế số lượng thành viên đoàn quan chức cấp cao tới dự lễ khai mạc và bế mạc sự kiện thể thao trọng đại này.
Đài NHK cho biết Nhật Bản yêu cầu mỗi nước giới hạn số lượng phái đoàn tối đa là 12 người đối với đoàn nguyên thủ quốc gia và 5 người đối với đoàn bộ trưởng nội các. Nhật Bản muốn hoàn thiện quy mô các phái đoàn nước ngoài để đẩy nhanh công tác chuẩn bị.
Dự kiến, trong số các nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ đến Nhật Bản để dự lễ khai mạc và bế mạc có Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp - quốc gia sẽ tổ chức Olympic 2024 tại Paris.
Ngày 20/3, truyền thông Pakistan đưa tin Thủ tướng nước này Imran Khan đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, Thủ tướng Khan trong tình trạng sức khỏe tốt, ho và sốt nhẹ. Hiện ông đang tự cách ly ở nhà.
Thủ tướng Pakistan vừa tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 18/3. Tuy nhiên, Bộ trưởng Sultan cho rằng nhiều khả năng thủ tướng đã nhiễm bệnh trước khi được tiêm phòng vaccine.
Theo ông Sultan, người dân không nên liên hệ giữa việc thủ tướng nhiễm virus SARS-CoV-2 với việc tiêm vaccine. Sau khi tiêm vaccine, phải mất từ 2-3 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2 vaccine, cơ thể mới tạo ra kháng thể.
Cùng ngày, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Roselyne Bachelot cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang cách ly. Bộ trưởng Bachelot cho biết bà sẽ thường xuyên cập nhật tình trạng của bản thân.
Theo Bộ Y tế Pháp, trong 24 giờ qua, số bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị tích cực trong các bệnh viện nước này đã tăng thêm 66 người lên 4.353 người. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm 2021.
Số ca nhiễm mới và tử vong cũng tăng thêm lần lượt là 35.327 ca và 185 ca. Tính đến nay, đã có hơn 4,22 triệu người mắc Covid-19 tại Pháp, trong đó có 92.167 trường hợp không qua khỏi.
Trong khi đó, Bộ Y tế Hungary cũng thông báo có thêm 11.132 ca mắc Covid-19 - mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 560.971 người, trong đó có 18.068 trường hợp tử vong.