Chính phủ Nhật Bản thông qua bản kế hoạch tổng thể về phòng chống Covid-19 để chủ động ứng phó trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần thứ 6 có thể bùng phát mạnh mẽ. (Nguồn: JijiPress) |
Trong văn bản trả lời chất vấn được đăng tải trên trang mạng của Quốc hội nước này, MOH cho biết, hiện chỉ có vaccine do hãng dược phẩm Mỹ sẵn sàng để tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi và vẫn phải đợi phê duyệt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
MOH cũng cho hay, chính phủ Malaysia hiện đang trong quá trình mua vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi do vaccine sử dụng cho nhóm đối tượng này có liều lượng khác với vaccine sử dụng cho người trưởng thành, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia và Cơ quan kiểm soát dược phẩm Malaysia.
MOH tiết lộ, Malaysia cần 11,8 triệu liều để tiêm phòng cho 5,9 triệu trẻ em nước này.
Tại Hàn Quốc, Ủy ban An toàn vaccine Covid-19 đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Đây là một tổ chức chuyên môn tư nhân, do các chuyên gia dân sự vận hành độc lập, không trực thuộc chính phủ, có chức năng phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và các phản ứng phụ sau tiêm.
Ủy ban này gồm 22 chuyên gia, chủ yếu đến từ Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hàn Quốc - một tổ chức học thuật hàng đầu về lĩnh vực y học ở trong nước.
Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiến hành tổng hợp, phân tích về các trường hợp có phản ứng phụ bất thường sau tiêm cả ở bên trong và ngoài Hàn Quốc nhằm đưa ra các kết luận khoa học.
Ở Nhật Bản, ngày 12/11, chính phủ nước này đã thông qua bản kế hoạch tổng thể về phòng chống Covid-19, với các biện pháp chủ động trong trường hợp làn sóng dịch bệnh lần thứ 6 có thể bùng phát mạnh mẽ, gấp nhiều lần so với đỉnh dịch vừa qua.
Kế hoạch này tập trung các biện pháp chính sách cho 4 lĩnh vực là tăng cường hệ thống y tế, thúc đẩy tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đảm bảo thuốc điều trị và khôi phục cuộc sống thường nhật.
Trong kế hoạch mới, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đảm bảo được 37.000 giường bệnh, gấp 3 lần so với nhu cầu tại thời điểm đỉnh dịch.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng quy định chế độ liên lạc với những người bệnh được điều trị tại nhà kể từ ngày xác định dương tính, công bố số liệu về giường điều trị Covid-19 hàng ngày và áp dụng chế độ hạn chế điều trị thông thường trong trường hợp xuất hiện nguy cơ khủng hoảng y tế.
Về việc thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng liều tăng cường (mũi thứ 3) cho nhân viên y tế kể từ tháng 12 tới và người lao động từ tháng 3/2022. Việc tiêm chủng vaccine đối với trẻ em dưới 12 tuổi cũng sẽ được tiến hành khi cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Hiện nay, hãng dược Pfizer đang đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cấp phép tiêm chủng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Về thuốc điều trị Covid-19, chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ tối đa 20 triệu Yen (175.039 USD) cho mỗi dự án phát triển thuốc điều trị, mục tiêu là phát triển thành công thuốc điều trị Covid-19 trong năm nay, đảm bảo được 1,6 triệu liều điều trị.
Để khôi phục lại cuộc sống thường nhật, chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine, chuyển đổi chứng nhận sang hình thức kỹ thuật số, tiến hành xét nghiệm miễn phí cho các đối tượng có triệu chứng bệnh trong trường hợp dịch lây lan rộng.
Trong khi đó, nhằm khôi phục ngành du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trong 2 năm qua, chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng tái khởi động chương trình “GoTo Travel” vào đầu năm sau.
“GoTo Travel” là một kế hoạch kích cầu du lịch nội địa quy mô lớn, có sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, nhằm khôi phục ngành dịch vụ, du lịch của nước này trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.