Mỹ quyết định giảm một nửa thời gian cách ly đối với người bị nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. (Nguồn: AFP) |
Châu Mỹ: Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 100,5 triệu ca mắc Covid-19, chiếm 36% số ca bệnh trên toàn thế giới và 2,4 triệu trường hợp tử vong, chiếm 45% tổng số ca tử vong toàn cầu.
Trong tuần qua, số ca nhiễm mới đã bất ngờ tăng mạnh tại nhiều nước, trong đó đáng chú ý là Argentina với số ca mắc trung bình khoảng 15.000 người/ngày và là con số cao nhất kể từ hồi tháng 8.
Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong lại có xu hướng giảm và đây được coi là tín hiệu tích cực, cho thấy tính hiệu quả của các chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà mà chính phủ các nước đang triển khai.
Trong bối cảnh đó, giới chức y tế cảnh báo khả năng bùng phát của làn sóng dịch mới sẽ xuất hiện tại châu Mỹ trong năm 2022 khi đã có khoảng 20 quốc gia trong khu vực ghi nhận các trường hợp mắc biến thể Omicron của Covid-19 với khả năng lây lan nhanh hơn rất nhiều so với các biến thể trước đó.
Nhiều nước trong khu vực đã buộc phải siết chặt các biện pháp đối phó và kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Thậm chí, một số hãng hàng không trong khu vực đã phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh lịch trình các chuyến bay trong dịp cuối năm này khi mà nhu cầu đi lại tăng cao.
Mỹ: Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo giảm thời gian cách ly được khuyến nghị đối với những người bị nhiễm Covid-19 không triệu chứng từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.
CDC Mỹ khuyến cáo, sau thời gian cách ly 5 ngày nói trên, mọi người nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong 5 ngày tiếp theo để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cập nhật khuyến nghị về thời gian cách ly đối với những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, hoặc đã tiêm được 6 tháng liều vaccine theo công nghệ mRNA thứ hai, hoặc hơn 2 tháng sau khi tiêm vaccine của Johnson & Johnson loại một mũi.
Cụ thể, trong trường hợp những người này bị phơi nhiễm Covid-19, họ phải cách ly 5 ngày và sử dụng khẩu trang nghiêm ngặt trong 5 ngày tiếp theo.
Đối với những người đã tiêm chủng và tiêm liều tăng cường, CDC Mỹ cho biết không cần phải cách ly, nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày sau khi bị phơi nhiễm.
Những thay đổi này của dựa trên các nghiên cứu khoa học cho thấy, phần lớn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan trong giai đoạn rất sớm, ngay khi người bệnh nhiễm, thường là trong hai ngày đầu tiên trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và phán tán mạnh trong 2-3 ngày tiếp theo.
Italy: Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Italy nới lỏng các quy định cách ly phòng Covid-19, nói rằng nước này có nguy cơ bị tê liệt trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng.
Theo quy định hiện nay, những người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 phải tự cách ly trong 7 ngày nếu họ đã tiêm vaccine và trong 10 ngày nếu họ chưa tiêm phòng.
Theo người đứng đầu tổ chức y tế Gimbe Nino Cartabellotta, trong vòng 2 tuần, có thể có từ 5-10 triệu người tiếp xúc gần với những người nhiễm Covid-19 phải cách ly và "điều này là không thể".
Trong khi đó, ông Walter Ricciardi, Cố vấn khoa học của Bộ trưởng Y tế Italy, dự đoán, số ca nhiễm Covid-19 tại nước này có thể sẽ tăng trong tháng 1/2022 với hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Về mũi tiêm thứ 4, ông Ricciardi nói, còn quá sớm để xem xét vấn đề này, song, Italy chắc chắn sẽ xem xét, sớm nhất vào tháng 5-6/202.
Anh: Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận chính phủ nước này sẽ không đưa ra các biện pháp hạn chế mới cho đến trước Năm mới 2022.
Bộ trưởng Javid cho biết, giới chức y tế theo dõi số liệu về tình hình Covid-19 "trên cơ sở hằng ngày", đồng thời nhận định, người dân "duy trì thận trọng" khi đón Năm mới.
Ngày 27/12, Anh ghi nhận thêm 98.525 ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 12 triệu ca.
Hơn 89% dân số trên 12 tuổi tại Anh đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 và khoảng 82% đã tiêm hai mũi.
Pháp: Theo số liệu của Cơ quan Y tế Pháp, có 104.611 trường hợp mắc mới Covid-19 được ghi nhận trong ngày 25/12, con số cao chưa từng có kể từ khi nước này ghi nhận ca bệnh đầu tiên, đánh dấu việc quốc gia châu Âu chính thức bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ 5.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có các cuộc họp trực tuyến với Hội đồng bảo vệ sức khỏe quốc gia và sau đó là Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 27/12 để trao đổi về dự luật chuyển chứng nhận sức khỏe thành chứng nhận tiêm chủng, rút ngắn thời gian cách ly và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định không thực hiện giãn cách xã hội, không giới nghiêm, không đóng cửa trường học, quyết tâm đặt cược vào những quyết định nói trên để không làm xáo trộn các hoạt động kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, Pháp sẽ "mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện".