Nhỏ Bình thường Lớn

Lao động xuất khẩu bỏ trốn: Không để thành tiền lệ xấu

Để những cánh cửa xuất khẩu lao động không khép lại, cần phải có những giải pháp mạnh hơn!
Ảnh minh họa.

Trước tình trạng người lao động hết hạn cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc đang là nỗi nhức nhối khiến công tác xuất khẩu lao động càng gặp nhiều khó khăn trong hơn 1 năm qua, chiều 7/5 tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước để rút kinh nghiệm và tìm giải pháp mới.

Không thể tuyên truyền suông

Việt Nam (VN) là quốc gia dẫn đầu trong 15 quốc gia cử lao động đến Hàn Quốc, chiếm 25% tổng số lao động theo chương trình của nước này. Hằng năm, thu nhập của người lao động từ Hàn Quốc gửi về nước khoảng 600 triệu USD đã tạo cơ hội thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình.

Tuy nhiên, hai vấn đề bất ổn khi Hàn Quốc tiếp nhận lao động VN là lao động thường xuyên nhảy việc và bỏ trốn khi sắp hết hạn hợp đồng. Theo số liệu năm 2011 của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong hơn 60.000 lao động VN đang làm việc tại nước này có 8.780 người cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử.

Theo ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, tuy đã thực hiện nhiều biện pháp, song tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của cả nước vẫn còn cao, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đánh giá về những nỗ lực của VN trong việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, ông Choi Byung - Gie, Tổng Giám đốc Trung tâm EPS Việt Nam (Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc) nhận định, mặc dù các cơ quan chức năng VN đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Theo thống kê, từ khi có quyết định ngừng gia hạn hợp đồng tuyển lao động VN tỷ lệ lao động bất hợp pháp mỗi quý chỉ giảm khoảng 3%. Ông Choi cho biết, lý do thoả thuận tiếp nhận lao động bị ngừng là do tỷ lệ bỏ trốn cao, nếu VN muốn được ký lại thì tỷ lệ đó phải giảm xuống 20%, nếu vẫn còn cao như hiện nay sẽ rất khó.

"Tôi cho rằng việc cần làm sắp tới ngoài tuyên truyền vận động thì cần có thêm chế tài đủ mạnh, cần có quy định về tiền đặt cọc, tiền bảo lãnh để ngăn ngừa lao động cư trú bất hợp pháp... Nếu VN thực hiện 3 biện pháp: Tuyên truyền, xây dựng quy định ràng buộc, tăng lượng người quản lý lao động thì sẽ cải thiện được tình hình," ông Choi Byung nói.

Cần biện pháp mạnh

Từ thực tế, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình - Nguyễn Văn Điều cho rằng, các biện pháp đang thực hiện mới tập trung vào tuyên truyền chứ chưa có giải pháp nào tác động vào tiền lương, vật chất. "Một là thưởng, hai là phạt, ta có nhiều chính sách với lao động về nước đúng hạn nhưng nếu ở lại quá hạn thì phạt như thế nào?" - ông nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nêu thực tế, ai cũng nhận thức được vấn đề về nước đúng hạn nhưng vì không có biện pháp cấp bách nên không thực hiện quyết liệt. Thậm chí, coi đây như là một việc làm ăn, làm tốt thì được tuyên dương, không tốt thì đã có Nhà nước hỗ trợ. "Phải có biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế" - ông nhấn mạnh.

Trước thực trạng này, Ông Đào Công Hải thông báo, về phía Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm trình Bộ để Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp mức phạt lên tới 100 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm mức vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cao nhất là 200 triệu đồng. Đề xuất biện pháp hạn chế tuyển lao động đi Hàn Quốc đối với những địa phương không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Đồng thời phía cơ quan chức năng cũng sẽ đề nghị Hàn Quốc thay đổi cách chi trả trợ cấp thôi việc và giữ một phần tiền lương của người lao động, chỉ thực hiện chi trả sau khi người lao động về nước đúng hạn…

Thiết nghĩ, lao động bỏ trốn thì thiệt hại về kinh tế là rõ ràng; chương trình quốc gia về xuất khẩu lao động cũng bị ảnh hưởng lớn nhưng thiệt hại lớn nhất là hình ảnh, uy tín của lao động Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.

Minh Châu