📞

Covid-19: Ngày chết chóc tại Australia, Peru đã có hơn 18.000 người tử vong

Chu Văn 11:22 | 26/07/2020
TGVN. Covid-19 đang diễn biến phức tạp và ngày càng nguy hiểm tại một số quốc gia khi số ca nhiễm mới và tử vong không ngừng gia tăng.
Nhân viên y tế xét nghiệm virus corona tại trung tâm xét nghiệm lưu động ở Bondi Beach, Australia. (Nguồn: Reuters)

Bang Victoria của Australia ghi nhận 459 ca nhiễm mới, tức mức tăng trong ngày cao thứ hai, và cao hơn so với 357 ca của ngày trước đó.

Lãnh đạo bang Victoria, ông Daniel Andrews, cho biết thêm trong cuộc họp báo sáng 26/7 rằng bang đông dân thứ hai của Australia này ghi nhận 10 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục trong một ngày ở đất nước chuột túi.

Làn sóng thứ hai của bang đang lan rộng bởi các ca nhiễm tại nơi làm việc, bao gồm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người già, trung tâm phân phối lớn, lò giết mổ, kho lạnh và kho hàng hóa, ông Andrew nói.

“Một số người đang đổ bệnh, họ có triệu chứng và vẫn đang làm việc”, ông Andrew nêu bật lên tình hình làn sóng lây nhiễm mới tại bang. “Nếu tình trạng này tiếp diễn, chúng ta sẽ chứng kiến thêm các ca nhiễm mới”.

Các con số trên tại Australia được ghi nhận trong ngày xét nghiệm kỷ lục ở nước này, với hơn 45.000 xét nghiệm được thực hiện.

Australia đã tránh được điều tồi tệ nhất của khủng hoảng virus corona mà nhiều nước khác phải gánh chịu, nhưng giới chức trách nước này đang vật lộn để khống chế đợt bùng phát mới ở Victoria. Tới nay, hơn 14.400 ca nhiễm được ghi nhận tại đây.

Người dân ở Victoria đang trải qua 6 tuần phong tỏa, đóng cửa ranh giới với các bang khác và thực thi quy định đeo khẩu trang bắt buộc.

Bang New South Wales lớn nhất của nước này ghi nhận 14 ca nhiễm mới trong đêm qua, với gần một nửa trong số đó liên quan tới ổ dịch bùng phát tại nhà hàng ở ngoại ô Sydney.

Ngày 25/7, Bộ Y tế Peru thông báo số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên đến 18.030 người, tăng 187 ca trong vòng 24 giờ qua, và số ca mắc mới là 3.923 người, nâng tổng số ca bệnh lên 379.884 người.

Như vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Peru vẫn diễn biến phức tạp sau khi nước này chính thức kết thúc giai đoạn cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7 và bước vào một giai đoạn nới lỏng từng bước nhằm khôi phục các hoạt động xã hội và tái khởi động nền kinh tế.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra trước đó khẳng định chính phủ đã chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó nếu trong trường hợp Covid-19 bùng phát trở lại, thậm chí là tái ban bố lệnh cách ly bắt buộc khi diễn biến xấu đi.

Cũng liên quan tới tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế Chile cho biết nước này đã ghi nhận 2.287 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh Covid-19 lên 343.592 người, trong đó có 9.020 ca tử vong

Ngày 25/7, hàng nghìn người dân Israel đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố để phản đối cách thức xử lý‎ khủng hoảng Covid-19 của chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu.

Các cuộc biểu tình thường xuyên diễn ra kể từ khi chính phủ Israel tăng cường áp đặt trở lại những biện pháp hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh. Bước đi này được xem là thất bại của chính phủ Israel trong công tác xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 sau khi đã làm khá tốt trong khoảng thời gian 3-4 tháng đầu tiên. Ngoài ra, người dân Israel tỏ ra bức xúc liên quan đến cáo buộc ông Netanyahu nhận hối lộ, lừa đảo và vi phạm lòng tin.

Israel đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm thúc đẩy kinh tế trong tháng 5. Tuy nhiên, tình trạng bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, với mức bình quân 2.000 ca bệnh mới/ngày trong những tuần qua, đã buộc chính phủ Israel phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế lây lan. Hiện nay, kinh tế Israel đang gánh chịu hậu quả từ những biện pháp hạn chế và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên gần 20%.

Cùng ngày, Israel đã ghi nhận hơn 1.770 ca Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 60.496 người, trong đó có 455 bệnh nhân tử vong.

(tổng hợp)