Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã làm lung lay kỳ vọng của châu Âu sớm kiềm chế được đại dịch. (Nguồn: Istock) |
Giờ đây, dư luận đang đặt câu hỏi liệu những vaccine đã phát triển và sắp được tung ra thị trường có thể phòng ngừa hiệu quả với biến thể mới hay không.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định không có bằng chứng cho thấy các vaccine hiện có kém hiệu quả trong việc phòng ngừa biến thể mới của SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cũng bảo vệ quan điểm này, dẫn lời các chuyên gia châu Âu nhấn mạnh tính hiệu quả của các loại vaccine hiện có trong việc phòng ngừa VUI-2020/12/01.
Tuy nhiên, những tuyên bố tương đối chung chung này có thể được hiểu mang tính "trấn an", bởi biến thể mới vừa xuất hiện và chưa có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu một cách khoa học và chắc chắn về hiệu quả phòng ngừa của vaccine.
Bản thân các chuyên gia cũng đưa ra các nhận định trái chiều và tỏ ra thận trong khi đánh giá mức ảnh hưởng của biến thể mới này.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Muge Cevik tại Đại học St. Andrews (Scotland), kiêm cố vấn khoa học của Chính phủ Anh cảnh báo, việc chính phủ công bố biến thể mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70% chỉ là dựa trên mô hình, thay vì dữ liệu thực tế tại phòng thí nghiệm. Theo ông, không thể loại trừ khả năng sự lây lan này là do hành vi của con người.
Tiến sĩ Moncef Slaoui, Trưởng Cố vấn khoa học của chính phủ Mỹ về phân phối vaccine đánh giá, dù khả năng biến thể mới kháng được vaccine hiện có là thấp, song điều này vẫn có thể xảy ra.
Giáo sư vi trùng học Ravindra Gupta tại Đại học Cambridge cũng lo ngại rằng, biến thể mới sẽ mở đường giúp virus kháng vaccine, dù quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều lần đột biến.
Chuyên gia này nhận định, mỗi năm thế giới lại cần các vaccine ngừa cúm khác nhau, do đó không có lý do gì chứng minh điều tương tự sẽ không xảy ra với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, không ít chuyên gia về vaccine đảm bảo rằng, việc phát triển và bào chế vaccine đã tính tới tình huống biến thể và mọi đột biến của virus đều nằm trong vòng cương tỏa của vaccine sắp được tung ra.
Kể cả khi virus có sự đột biến và các vaccine chỉ tập trung vào protein gai, thì hệ miễn dịch đặc biệt và phức tạp của con người vẫn có thể ứng phó được.
Trên thực tế, virus sẽ không ngừng biến đổi trong quá trình tiến hóa, song điều đáng lo là virus SARS-CoV-2 đột biến thông qua thay đổi protein gai trên bề mặt, giúp nó tránh được tác dụng của thuốc điều trị hay hệ miễn dịch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể VUI-2020/12/01 đã được phát hiện tại Đông Nam nước Anh vào tháng 9 vừa qua. Các chuyên gia cho biết, biến thể này có tới 17 đột biến, trong đó có 8 đột biến về protein gai, giúp virus nhân lên và lây lan nhanh chóng.
Virus SARS-CoV-2 dùng protein gai để xâm nhập vào tế bào khỏe mạnh, đây cũng là mục tiêu các vaccine hiện nay nhắm đến để hỗ trợ khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Với những diễn biến mới nhất, WHO khẳng định đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh về nghiên cứu biến thể mới, đồng thời sẽ cập nhật đến các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bất luận ra sao thì virus biến thể cũng đang đặt thêm thách thức cho EU khi mà các nước châu Âu vẫn chưa thể khống chế được làn sóng dịch mới trong mùa Đông.
Rút kinh nghiệm từ cách phản ứng ở thời điểm dịch bùng phát hồi đầu năm, lần này châu Âu đã có sự tham vấn và hành động nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là biến thể mới đã xuất hiện ở một số nước EU gồm 9 trường hợp tại Đan Mạch, 1 trường hợp ở Italy, 1 ở Hà Lan và 1 ở Australia, đòi hỏi châu Âu cần phải hành động thống nhất và quyết liệt hơn trước sự biến đổi phức tạp và khó lường của virus SARS-CoV-2.